1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Bình

Tiền tỷ hỗ trợ dân vùng lũ "chảy" vào quỹ tín dụng

(Dân trí) - Gần một năm, dự án khu tái định cư vượt lũ Khe Su (xã Hưng Trạch - Bố Trạch - Quảng Bình) vẫn chưa hoàn thành. Nghịch lý là số tiền 1 tỷ đồng hỗ trợ di dời của dân được UBND xã đem gửi tiết kiệm, đứng tên các trưởng thôn…

Tiền dân, xã gửi ngân hàng

Dự án làng vượt lũ Khe Su được khởi động từ tháng 6/2010, giai đoạn 1 của dự án có mục tiêu di dời 100 hộ thấp trũng ở các thôn 1, 2, 3 Thanh Hưng (xã Hưng Trạch) lập làng tránh lũ, xây dựng kinh tế.

Dự án làng vượt lũ đầu tiên của cả nước này càng trở nên có ý nghĩa cấp thiết, khi trận lũ lịch sử tháng 10/2010 vừa qua khiến hàng trăm người dân Hưng Trạch lao đao, nhiều người chết và thiệt hại lớn về tài sản.

100 hộ dân hưởng lợi từ dự án sẽ được giao 400 m2 đất, được hỗ trợ tiền san lấp mặt bằng làm nhà, hỗ trợ tiền đào giếng, tiền khai hoang sản xuất và hỗ trợ di dân với tổng mức gần 20 triệu đồng/hộ.

Nhưng đến nay, sau gần một năm thực hiện, dự án chỉ mới cơ bản hoàn thành cơ sở hạ tầng, san ủi mặt bằng để bàn giao cho dân làm nhà. Điều đáng nói, trong khi người dân làng vượt lũ Khe Su đang gặp nhiều khó khăn trong việc dựng nhà mới, ổn định cuộc sống thì tiền của họ được xã đem gửi ngân hàng.

Tiền tỷ hỗ trợ dân vùng lũ "chảy" vào quỹ tín dụng - 1
Người dân làng vượt lũ Khe Su đang gặp nhiều khó khăn trong việc dựng nhà mới.
 
Cuối tháng 12/2010, số tiền một tỷ đồng hỗ trợ di dời nhà (mỗi hộ dân được hỗ trợ 10 triệu đồng) về tới xã nhưng không tới tay người dân mà hiện toàn bộ khoản tiền nằm trong Quỹ tín dụng huyện Bố Trạch. Sự việc bắt đầu từ ngày 4/1/2011, ông Trần Văn Thái - Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch cùng với thủ quỹ và ba ông trưởng thôn 1, 2, 3 Thanh Hưng đem gửi số tiền vào Quỹ tín dụng, đứng tên cá nhân ba trưởng thôn.

Ông Trần Minh Lý - Trưởng thôn 2 Thanh Hưng xác nhận, sáng 4/1, ông cùng hai trưởng thôn khác nhận được thông báo từ xã, rồi được Chủ tịch xã, thủ quỹ dẫn đến trụ sở Quỹ tín dụng ở thị trấn Hoàn Lão, đứng tên ba sổ tiết kiệm với tổng tiền 1 tỷ đồng. CMND của các ông hiện đang được xã “giữ hộ”.

Giải thích về việc làm này, cả ông Chủ tịch lẫn Phó Chủ tịch UBND xã Ngô Đức Thắng đều khẳng định “không có gì sai” vì quyết định gửi tiết kiệm là do người dân nhất trí họp bàn, thống nhất giữa xã và lãnh đạo ba thôn. Các lãnh đạo xã cũng lý giải phương án gửi tiết kiệm khoản tiền hỗ trợ người dân được hưởng vì “nếu đem phát số tiền này thời điểm trước Tết, sợ dân sẽ chi tiêu sai mục đích”.

Sai nhưng chưa thể kết luận tiêu cực

Nói về sự việc, ông Trần Văn Sỹ - Phó Chủ tịch HĐND xã khẳng định: “Sau khi nhận tiền từ kho bạc về, UBND xã tổ chức họp với các hộ dân tham gia dự án để thanh toán số tiền đó. Xã đặt vấn đề đây là số tiền nhà nước hỗ trợ, còn dân có trách nhiệm phải nộp tiền cấp “sổ đỏ” (GCNQSDĐ) khi có quyết định của UBND huyện. Dân bàn bạc đi đến thống nhất để số tiền lại để gửi vào ngân hàng để rút về nộp tiền sử dụng đất”.

Xác nhận việc này, ông Trần Minh Lý nói: Chủ tịch xã cho rằng việc di dời “dân tự giác mà làm”, còn theo giải thích của ông Chủ tịch, số tiền SDĐ mà dân phải nộp là 12 triệu đồng. 

Chị Nguyễn Thị Hương - một người dân hưởng lợi cũng khẳng định: “Xã nói 12 triệu để nộp tiền đất 30.000 đồng/m2. Nghe nói thế, xã hỏi dân biểu quyết thì dân giơ tay lên cả”.

Vấn đề là không hiểu các lãnh đạo xã đưa ra con số 12 triệu tiền sử dụng đất trên cơ sở nào khi mà Phòng TN-MT Bố Trạch khẳng định hiện chưa có văn bản nào của tỉnh, hay tờ trình của xã về vấn đề này nên chưa xác định được số tiền người dân phải nộp.

Mặt khác, theo Nghị định 198/2004/NĐ-CP của Chính phủ, đất để xây dựng nhà ở cho người phải di dời do thiên tai được miễn tiền sử dụng đất. Ngoài ra, theo quy định thì chi phí cấp “sổ đỏ” trong trường hợp này chưa đến 100.000 đồng.

Vì thế, dư luận đang đặt nhiều dấu hỏi về lý do con số 12 triệu đồng này được “áp” cho những người dân vốn hạn chế điều kiện tiếp cận thông tin.

Lãnh đạo huyện Bố Trạch nhận định, chưa thể nói ông Chủ tịch xã Hưng Trạch có ý “biển thủ” tiền hỗ trợ của dân, song việc làm này chắc chắn là sai vì nếu có ý tốt cho dân, xã có thể định hướng, khuyến cáo dân sử dụng đúng mục đích chứ không thể đem tiền đi gửi tiết kiệm.

Theo nguồn tin của Dân trí, hiện Công an huyện Bố Trạch đang vào cuộc tìm hiểu sự việc.

“Có thể xem xét trách nhiệm hình sự”

Theo Luật sư Lê Hương Trà - Giám đốc Công ty Luật Nhất Tín (Đồng Hới - Quảng Bình): việc làm của UBND xã Hưng Trạch, đứng đầu là ông Chủ tịch, có thể xem xét khía cạnh phạm vào Điều 280-Bộ luật Hình sự về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Ông Chủ tịch đã thông báo cho dân sai chủ trương của nhà nước, khiến dân hiểu nhầm và chấp nhận cho xã gửi tiền vào ngân hàng để nộp tiền làm GCNQSDĐ sau này. Việc gửi tiền của dân vào ngân hàng, đứng tên cá nhân coi như số tiền này đã trở thành tài sản cá nhân của các trưởng thôn.

Hồng Kỹ