1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tiền polymer: Tiện và bất tiện

Tiền polymer ở nước ta được đưa vào lưu hành từ tháng 12/2003. Qua thực tế, loại tiền này đã bộc lộ nhiều ưu điểm cũng như những bất tiện cho người sử dụng.

Tiền polymer nhẹ và gọn nên khá thuận tiện khi lưu hành. Các giao dịch trả bằng tiền mặt cần đến số lượng lớn và việc vận chuyển, bảo quản, cất giữ có lợi thế hơn tiền giấy. Màu sắc và hình thức mỹ thuật của các loại tiền polymer khá đẹp mắt. Đó là vài điểm ưu việt của tiền polymer.

 

Có điều phiền toái là tiền polymer nhỏ nhưng quá mỏng nên rất dễ dính nhau khi sử dụng. Thông thường chi trả một số tiền nào đó (chỉ 5 đến 10 tờ tiền polymer), người trả và người nhận phải đếm đi đếm lại vài lần. Các nơi có máy đếm tiền, với tiền polymer, khi chi ra hay thu vào cũng phải dùng máy đếm vài ba lần mới chắc chắn. Do quá mỏng, dễ dính nhau, khi thu hay chi bằng tiền polymer, người trả và người nhận tiền đều phải mất nhiều thời gian, công sức cho công việc này.

 

Tiền giấy của nước ta (tiền giấy các loại đang lưu hành) và tiền giấy của nhiều nước khác (đô la Mỹ, bảng Anh,… ), có kích thước chiều dài bằng đúng 2 lần chiều rộng. Do đó, cứ một xấp 10 tờ, lấy 1 tờ ra, kẹp ngang lại, về cơ bản hai mép của tờ kẹp ngang bằng với mép của 9 tờ nằm dọc.

 

Kích thước như vậy rất thuận tiện cho việc cất giữ và sử dụng của người dân (cứ 1 xấp 10 tờ và 10 xấp cột lại là thành một số tiền nhất định, dễ nhớ và dễ kiểm lại). Các loại tiền polymer hiện đang lưu hành, chiều dài lớn hơn 2 lần chiều rộng, nên 1 xấp 10 tờ nếu lấy 1 tờ ra kẹp ngang lại, tờ kẹp ngang này chìa ra mép 9 tờ nằm dọc, không thuận tiện và không đẹp mắt khi sử dụng.

 

Đồng thời, tiền polymer cứng, rất khó gấp ngang, nên để dễ kiểm soát, người dân phải lấy kim kẹp, kẹp từng xấp 10 tờ hoặc lấy dây thun, cột từng xấp 10 tờ, cất giữ rất cộm và thiếu thẩm mỹ.

 

Tố Lang
Sài gòn giải phóng