1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Tiền đổ ra nhiều mà đường vẫn tắc”

(Dân trí) - Giải quyết vấn đề theo kiểu năm một, thiếu dài hơi, không mang tính hội nhập, tốn kém nhiều tỉ đồng… là nhìn nhận của nhiều đại biểu HĐND Hà Nội về những giải pháp chống ùn tắc giao thông đang được thực hiện tại Thủ đô.

“5 năm tới ra đường có nhúc nhích được?”

Đề cập vấn đề giao thông tại buổi thảo luận sáng nay 9/12, đại biểu Ngô Văn Ny cho rằng, nút giao thông Cầu Giấy rất rộng, nhưng vẫn ùn tắc, khác hẳn với 5 năm trước đây. Từ thực tế đó, ông Ny đặt vấn đề, người và xe cộ tăng lên mỗi ngày, thành phố đã dự kiến biện pháp gì để khắc phục cho 5 năm tới?

“5 năm nữa, cứ tăng xe máy, ô tô thế này, liệu ra đường chúng ta có nhúc nhích được không?”, ông Ny băn khoăn. Đại biểu này đề nghị, thành phố phải có nghiên cứu để dịp 1.000 năm là dấu mốc trong việc giải quyết vấn đề nan giải bấy lâu.

Cũng theo ông Ny, thành phố không thể áp dụng các giải pháp theo kiểu năm một. Đặc biệt, không thể thực hiện cách phân luồng như hiện nay, bởi chúng ta đã hội nhập quốc tế, giao thông phải theo cách chung, không thể mình Hà Nội làm cách riêng được.

Đại biểu Bùi Thị An cũng cho rằng, những giải pháp giao thông vừa qua chỉ là tình thế, không hiệu quả, bất lực trong việc giải quyết vấn đề, trong khi số tiền để làm việc này lại không hề nhỏ mà lên tới nhiều tỉ đồng. “Phải lập quy hoạch dài hơi, tổng thể cho Thủ đô, nếu không tiền đổ ra nhiều vẫn ùn tắc”, bà An đề nghị.
 
“Tiền đổ ra nhiều mà đường vẫn tắc” - 1
Đại biểu Trần Trọng Hanh: Chúng ta chưa có chủ thuyết đối với vấn đề của nội thành

Cũng liên quan đến vấn đề của đô thị, đại biểu Trần Trọng Hanh cho rằng, cải tạo nội thành và phát triển mới là vấn đề chiến lược hiện nay. Theo ông Hanh, chúng ta không nên bỏ cái ngàn năm đã có, cái di sản của nhiều thế hệ để đi tìm cái mới.

“Thành phố đã có chủ trương chỉnh trang đô thị, nhưng nhìn chung, chúng ta chưa có chủ thuyết, phương pháp, cách làm nên chỉ thực hiện manh múm, dẫn tới ngập úng, tắc đường”, ông Hanh phân tích.

Chưa hết, theo ông Hanh, việc quy hoạch chi tiết của các quận, huyện, quy hoạch chuyên ngành cũng có nhiều vấn đề. Hiện đã có những ý kiến về việc doanh nghiệp điều chỉnh quy hoạch, chứ không phải các cơ quan chức năng điều chỉnh. Nói cách khác, việc điều chỉnh quy hoạch xuất phát từ lợi ích doanh nghiệp, chứ không phải lợi ích cộng đồng!

Với quy hoạch chung Hà Nội, theo ông Hanh đang còn nhiều bề bộn và đại biểu HĐND cũng chưa một lần được nghe. Đại biểu này cho rằng, dù rất tin tưởng Chính phủ, nhưng nếu HĐND không tham giam bàn bạc cũng sẽ làm nảy sinh những lo lắng.

Không để “trên nóng, dưới nguội”

Theo đại biểu Trần Trọng Hanh, lúc này quản trị đô thị là vấn đề hàng đầu của Hà Nội và phải có giải pháp để huy động nhiều người cùng tham gia. “Vấn đề phá vỉa hè, tiện đâu vứt rác đó, nếu không phát huy được người dân, cộng đồng, Chủ tịch thành phố có chạy suốt ngày cũng không kịp”, ông Hanh nói.

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Ngô Văn Ny đề nghị phải có cách để cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc, nếu không tình trạng “công nhân vệ sinh vừa quét rác trước lại có người đổ rác sau” vẫn tiếp tục tái diễn.

Đại biểu Ny cũng cho rằng, trong khi Thường trực Thành ủy, UBND TP rất “nóng”, rất sốt ruột về kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với nhiều mục tiêu đề ra thì các cấp bên dưới dù tán thành nhưng vẫn “nguội”, vẫn chưa chuyển biến bằng hành động.
 
“Tiền đổ ra nhiều mà đường vẫn tắc” - 2
Đại biểu Ngô Văn Ny: Có những cán bộ "co mình lại" để lấy phiếu bầu 

Chuyển sang các vụ việc bức xúc liên quan đến kho gỗ sưa ở huyện Thường Tín, hơn hai chục tấn mỡ bẩn ở huyện Hoài Đức, đại biểu Ny đặt câu hỏi: chính quyền cơ sở, đoàn thể đã ở đâu khi không phát hiện được từ sớm?

Từ những thực tế hiện nay, đại biểu Ny đề nghị, đối với công tác cán bộ phải kiểm điểm trách nhiệm cụ thể, thưởng phạt rõ ràng. “Phải thực hiện tốt việc này, bởi năm tới Đại hội Đảng nên có những cán bộ “co mình lại” nhằm lấy phiếu bầu”, ông Ny nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến công tác cán bộ, đại biểu Bùi Thị An cho rằng, đối với cấp sở phải tính toán lại bao nhiêu cấp phó là vừa. Ngay UBND TP cũng cần có tính toán tương tự, tránh việc nhiều cấp phó như hiện nay, dẫn tới khó làm việc.

Cấn Cường