1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tiền 100.000 đồng polymer bị làm giả tinh vi

Sáng qua, trong một giao dịch tại ngân hàng Sài Gòn Công Thương trên đường Đoàn Trần Nghiệp, Hà Nội, nhân viên ngân hàng đã phát hiện một tờ bạc 100.000 đồng polymer giả. Cục Phát hành và Kho quỹ (Ngân hàng Nhà nước) đã tiến hành giám định và cho biết, kỹ thuật làm loại tiền này rất tinh vi.

Cục phó Cục Phát hành và Kho quỹ Nguyễn Văn Toản cho biết, hiện tại trong số 4 mệnh giá tiền in trên chất liệu polymer, chỉ riêng loại 20.000 đồng chưa phát hiện bị làm giả. 3 mệnh giá khác, 50.000-100.000-500.000 đồng đều đã bị làm giả. Song chỉ có loại 100.000 đồng được phát hiện làm giả trên chất liệu nilon với trình độ cao. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, người tiêu dùng có thể nhận biết, kể cả bằng tay và bằng mắt.

Cũng theo ông Toản, loại tiền giả chất liệu polymer thực chất đã được cơ quan chức năng phát hiện từ tháng 3 vừa qua. Hiện số lượng loại tiền này rất ít, chỉ chiếm tỷ lệ chưa đầy 1% trong tổng số tiền giả in trên chất liệu cotton.

 

Cuối năm 2003, lần đầu tiên Việt Nam phát hành loại tiền in trên chất liệu polymer với những tính năng ưu việt hơn tiền giấy cotton đang lưu hành, đặc biệt là khả năng chống giả cao. Hơn 2 năm sau, tháng 1/2005, đích thân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thuý giới thiệu với báo chí loại tiền giả polymer 50.000 đồng. Tiếp đó, đến tháng 3/2005, cơ quan này cũng công bố tiền polymer mệnh giá 100.000 đồng đã bị làm giả. Tuy nhiên, lúc đó, những đồng tiền giả này chỉ được in trên nền cotton, với kỹ thuật thô sơ.

 

Theo các quy định hiện hành về bảo vệ tiền Việt Nam, các cơ quan hữu trách khi phát hiện tiền giả phải tiến hành thu giữ và lập biên bản. Vì vậy, ông Toản cho rằng, nhân viên ngân hàng Sài Gòn Công Thương trả lại tờ tiền giả cho khách hàng mà không tiến hành thu giữ là chưa tuân thủ đúng quy định.

 

Một số lưu ý của Ngân hàng Nhà nước về loại tiền polymer giả:

1. Đưa tờ tiền lên trước nguồn sáng để kiểm tra hình bóng chìm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở tiền thật sẽ nhìn thấy trên cả 2 mặt tờ tiền hình chân dung tinh xảo, sắc nét; khu vực có hình chân dung sáng hơn nền xung quanh. Ở tiền giả, không có hình bóng chìm hoặc chỉ là hình mô phỏng thô sơ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

2. Dùng tay vuốt nhẹ lên tờ tiền để kiểm tra các chi tiết in nổi (dòng chữ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”, Quốc huy, hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, chữ và số mệnh giá…) ở tiền thật sẽ có cảm giác nhám, ráp khi vuốt lên các chi tiết này. Ở tiền giả chỉ có cảm giác trơn lì, không nhám ráp như tiền thật.

3. Chao nghiêng tờ tiền để kiểm tra các yếu tố mực đổi màu (OVI) trên mặt trước tờ tiền, ở tiền thật yếu tố OVI có hiệu ứng đổi mặt từ vàng sang xanh lá cây. Ở tiền giả, OVI không có hiệu ứng đổi màu như tiền thật.

4. Quan sát các cửa sổ trong suốt trên tờ tiền: Kiểm tra hình dập nổi trên cửa sổ lớn, ở tiền thật, hình dập nổi là cụm số mệnh giá được dập nổi tinh xảo. Kiểm tra hình ẩn trong cửa sổ nhỏ bằng cách đưa vào nguồn ánh sáng đỏ, sẽ thấy hình ẩn hiện lên xung quanh nguồn sáng. Ở tiền giả, không có cụm số mệnh giá dập nổi trên cửa sổ lớn hoặc chỉ là các nét thô, không tạo thành hình các con số tinh xảo như tiền thật; trong cửa sổ nhỏ không có hình ảnh.

 

(Nguồn: Cục Phát hành Kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước)

 

Theo Thanh Thuỷ
VnExpress