1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Tiêm phòng cúm gia cầm theo kiểu công chức”

(Dân trí) - Cục Thú y nhận định, hội chứng “lợn tai xanh” đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt tại Hà Tĩnh, nhưng lại chưa có vắc xin hay thuốc đặc trị. Trong khi đó, dịch cúm gia cầm cũng đáng ngại không kém.

Khẩn cấp chống dịch “tai xanh” lan rộng

Báo cáo ngày 1/4 của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho thấy, dịch lợn tai xanh đang diễn biến rất phức tạp tại Hà Tĩnh, dịch liên tục phát triển và có chiều hướng lây lan ra diện rộng, gây thiệt hại lớn cho địa phương.

Bên cạnh đó, hiện nay đã xuất hiện tình trạng bán chạy gia súc dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh sang các địa phương khác.

Sáng 1/4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương trên toàn quốc có ngay các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh tai xanh. Riêng địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cần tập trung khoanh vùng dịch, thống kê số lợn trong vùng dịch, lập chốt kiểm dịch ở trục giao thông ra vào vùng dịch; lập biển báo nơi có dịch, hạn chế người ra vào vùng dịch. Đồng thời phải chỉ đạo sát sao công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên phạm vi toàn xã, huyện có dịch.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng nhấn mạnh, dịch tai xanh vẫn chưa có vắc xin, thuốc đặc hiệu chữa trị nên chỉ có thể chữa triệu chứng cũng như tiêm các vắc xin chống các bệnh bội nhiễm khác. Thứ trưởng Bổng cũng lo ngại, trước tình hình giá lợn cao hiện nay, người dân sẽ đua nhau bán chạy lợn bệnh khiến dịch có cơ hội lan nhanh.

“Các địa phương chưa có dịch “tai xanh” nhưng lân cận với Hà Tĩnh như Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình… cần triệt để thực hiện thiết lập các trạm, chốt tại các đầu mối giao thông chính, hoạt động 24/24 giờ kiểm soát việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn đưa vào tỉnh, tiêu hủy và xử phạt trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm lợn trái phép” - ông Bổng nhấn mạnh.

Dịch cúm gia cầm cũng không thể lơ là

Cùng ngày, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, đại diện Bộ Tài chính ví von: Mặc dù tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhưng công tác tiêm phòng cúm gia cầm còn lơ là, thậm chí theo kiểu “công chức”.

Một kết quả kiểm tra tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm do Bộ Tài chính chủ trì tại tỉnh Điện Biên cho thấy, có tình trạng tổ chức các điểm tiêm vắc xin cố định và yêu cầu người dân mang gia cầm đến tiêm thay vì cán bộ đến từng hộ gia đình để tiêm. Điều đó dẫn đến việc nhiều hộ chăn nuôi cả trăm con gia cầm nhưng chỉ mang được vài chục con đến tiêm. “Như vậy là bất hợp lý và không có hiệu quả”, đại diện Bộ Tài chính khẳng định.

Đại diện Cục Thú y cho biết thêm, lô vắc xin gồm 60 triệu liều được dùng để triển khai tiêm phòng ngay cho các địa phương nằm trong vùng trọng điểm tái phát dịch cúm gia cầm đã được nhập về Việt Nam và sẽ được phân phối sớm cho các địa phương theo kế hoạch. Ngoài ra, 20 triệu liều vắc xin do Tổ chức Thú y thế giới (OIE) viện trợ cũng đã được chuyển về Việt Nam.

Cũng trong cuộc họp này, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng đã yêu cầu Cục Thú y khẩn trương soạn thảo dự thảo điều chỉnh mức hỗ trợ tiêu hủy gia cầm bị dịch để trình Thủ tướng phê duyệt…

Trần Hưng