1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Nội:

Tiệm game phớt lờ lệnh “giới nghiêm”

(Dân trí) - Để che mắt lực lượng chức năng, đến giờ “giới nghiêm”, các quán game trên địa bàn TP.Hà Nội cũng "đóng cửa, tắt đèn". Nhưng đằng sau cánh cửa, tiếng chém giết, bắn nhau, vẫn vang lên giữa những cuộc đối đầu của các game thủ.

Hơn 1 tuần sau quyết định của Sở Thông tin- Truyền thông (TT-TT) Hà Nội qui định về hoạt động kinh doanh của các đại lý internet được áp dụng, nhiều tiện game vẫn hoạt động gần trường học và sau 23 giờ như không có chuyện gì xảy ra.
Tiệm game phớt lờ lệnh “giới nghiêm” - 1
Sau 1 giờ đêm, quán game Q.H ở khu tập thể Khương Thượng, Đống Đa vẫn hoạt động

Công khai hoạt động gần trường học

 Đầu tháng 9/2010, Sở TT – TT Hà Nội yêu cầu ngưng hoạt động của 313 đại lý internet gần trường học. Tuy nhiên, rất nhiều đại lý nằm trong danh sách này vẫn tiếp tục hoạt động. Qua khảo sát 10 đại lý trong danh sách nằm gần trường học ở quận Thanh Xuân, chúng tôi thấy chỉ có 3 đại lý ngừng hoạt động.

10 giờ sáng ngày 9/9, đại lý internet trên phố Nhân Hòa phường Nhân Chính, cách trường THCS Phan Đình Giót 50m, chật cứng người chơi. Phần lớn game thủ mặc áo đồng phục của trường THPT Nhân Chính. Những trò được các em chơi say sưa nhất là Đột Kích, Phong Thần, Võ Lâm Truyền Kỳ, FIFA online…

“Từ đầu tháng 9 em cũng đã biết có lệnh cấm các điểm internet gần trường học và hạn chế một số trò chơi bạo lực. Nhưng chơi bao nhiêu năm rồi, bọn không bỏ ngay được”, Minh một học sinh nói. Khi được hỏi tại sao không chấp hành quyết định của TP, một chủ quán lý giải: “Chúng tôi cũng biết rõ quyết định này, nhưng đã có đơn gửi ra phường giải quyết”.
 
Tiệm game phớt lờ lệnh “giới nghiêm” - 2
Đại lý internet trên phố Nhân Hòa, Nhân Chính cách trường THCS Phan Đình Giót 50m vẫn vô tư hoạt động.

Tương tự, tổng số 17 đại lý internet tại quận Đống Đa bị Sở TT –TT yêu cầu ngừng hoạt động cũng chỉ có rất ít chủ đại lý chấp hành. Có mặt tại phố Quan Thổ 1 (Hàng Bột), 2 đại lý internet nằm gần trường THPT Đống Đa vẫn chạy hết công suất. Một phụ huynh trường Đống Đa ngán ngẩm: “Nghe nói, TP đã quyết định đóng cửa các đại lý internet gần trường học tôi mừng quá, vì các cháu đi học về là tạt ngang, tạt ngửa vào các quán game gần trường. Chỉ mong quyết định của TP được áp dụng. Nhưng không hiểu sao đến thời điểm này mấy đại lý internet gần trường Đống Đa vẫn hoạt động?”.

Đột kích tiệm game lúc nửa đêm

Khoảng 15 phút trước giờ “giới nghiêm” chúng tôi có mặt tại khu tập thể Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội - điểm nóng về hoạt game bạo lực được Giám đốc Sở TT – TT Hà Nội Phạm Quốc Bản nhiều lần nhắc tới trong họp báo về quản lý game. Có mặt tại đây, chúng tôi chứng kiến gần 30 đại lý internet vẫn vô tư hoạt động. Lúc này, trước cổng các đại lý internet chật cứng xe của các game thủ. Âm thanh mô phỏng của tiếng súng bắn, kiếm va đập vào nhau chát chúa. Kẻ thắng, người thua cùng buông những câu chửi bới tục tĩu.
 
Tiệm game phớt lờ lệnh “giới nghiêm” - 3
Biển quảng cáo game vẫn được "trưng" sau 11h (chụp tại khu tập thể Khương Thượng, Đống Đa)

Bước chân vào quán game Q.H (nhà A6), điều hòa được bật hết công suất để chống lại hơi nóng của khoảng 40 máy đang phục vụ các game thủ phả ra (tổng số 45 máy). Các game được chơi hầu hết là game bạo lực, game “sex” như: Đột kích, Võ lâm truyền kỳ, Hero, Karate, Đế chế, Hứng bia…

Đến gần 11 giờ, sau khi xe của các game thủ được “phong tỏa” hết sang nhà dân hoặc vào bãi xe của Đại học Y Hà Nội, nhân viên trong quán tắt điện, đóng cửa. “Ai muốn ra vào phải phải sau 1 giờ nhé”, nhân viên đại lý game thông báo với khách hàng. Gần 1 giờ, chúng tôi gọi chủ quán mở cửa cho về sớm với lý do buồn ngủ. Trong khi đó các game thủ vẫn dán mắt vào màn hình, say sưa với những trò chơi bạo lực.

Tại “phố game” Lê Thanh Nghị, nhìn bên ngoài, các đại lý internet đã đóng chặt cửa. Nhưng sau cánh cửa, “thế giới” của những con nghiện game vẫn hoạt động. Hơn 2 giờ, chúng tôi gõ cửa một quán game ở cuối đường, xin chủ quán vào chơi qua đêm. Mặc dù ông chủ nói hết khách, quán đã đóng cửa nhưng ánh sáng từ màn hình vẫn lọt qua khe cửa hắt ra ngoài đường. Âm thanh hỗn tạp của các trò chơi tại đại lý internet này cũng vang lên rầm rầm. Dù vậy, thỉnh thoảng vẫn có một vài tốp chơi game ra vào quán. “Giờ này chỉ có khách quen, mới được chủ quán cho vào chơi. Muốn chơi đêm chỉ có cách vào những đại lý nằm sâu trong ngõ”, một game thủ tiết lộ.
 
Tiệm game phớt lờ lệnh “giới nghiêm” - 4
Khách hàng có thể chơi qua đêm tại đại lý internet  ở K3 Bách Khoa

Cuối cùng, một chủ quán internet ở 106K3 Bách Khoa, cũng chịu tiếp chúng tôi. “Ở đây, đêm hôm ra vào thoải mái. Không tính giờ chơi, mỗi lần ra vào mất 4.000 nghìn/người đó nhé. Chấp nhận thì vào chơi”, chủ quán thông báo cho chúng tôi biết trước khi ngồi vào ghế. Khi hỏi được chơi đến mấy giờ, chủ quán nói, thích chơi đến sáng cũng được, sợ không có sức. Nếu đói có sẵn bánh mỳ, xôi, mì tôm… phục vụ tận bàn.  

Tới gần sáng, chút sức lực cuối cùng của các “con nghiện” game cũng đã bị những trò chơi bạo lực vắt kiệt. Một số nằm gục đầu xuống bàn. Số còn lại vật vờ đợi trời sáng.

 Quang Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm