1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tịch thu tài sản tham nhũng không cần thông qua thủ tục kết tội ?

Thế Kha

(Dân trí) - Theo VKSND Tối cao, cơ quan có thẩm quyền đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan tiến hành báo cáo nghiên cứu, xây dựng quy định biện pháp tịch thu tài sản không cần thông qua thủ tục kết tội.

Ông Nguyễn Duy Giảng - Phó Viện trưởng VKSND Tối cao vừa có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng trả lời kiến nghị của cử tri địa phương này.

Theo đó, cử tri Hải Phòng phản ánh thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy, các quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự mới chỉ chú ý đến việc phát hiện, xử lý các hành vi phạm tội, chưa chú trọng làm rõ đến tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng để thu hồi. Luật cũng chưa quy định rõ trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phát hiện, xác minh làm rõ, thu hồi tài sản tham nhũng.

Trong khi đó, kê biên tài sản là biện pháp tố tụng quan trọng để đảm bảo thu hồi tài sản liên quan đến tham nhũng. Tuy nhiên Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành còn hiếu các quy định cụ thể làm cơ sở để thực hiện tốt công tác này.

Tịch thu tài sản tham nhũng không cần thông qua thủ tục kết tội ? - 1

(Ảnh minh họa).

Trả lời cử tri, lãnh đạo VKSND Tối cao cho rằng, ngoài Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 cũng đã có nhiều quy định để phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng cũng như công tác thu hồi tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có các quy định về áp dụng các biện pháp kê khai tài sản, phong tỏa tài sản khoản, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật tại Điều 128, 129, 196, 197, 198 để trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ căn cứ áp dụng để xử lý người phạm tội, bảo đảm cho việc tịch thu tài sản, bồi thường thiệt hại, thi hành án.

Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền đã và đang ban hành dự thảo hướng dẫn như dự thảo nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ, trong đó có quy định về nội dung giải quyết vấn đề này.

Đáng chú ý, lãnh đạo VKSND Tối cao cho biết, cơ quan có thẩm quyền đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành báo cáo nghiên cứu, xây dựng quy định biện pháp tịch thu tài sản không thông qua thủ tục kết tội, buộc đối tượng tình nghi phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản.

Đồng thời đề xuất sửa đổi quy định có liên quan trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự để trình Chính phủ trong thời gian tới. Trong đó đề xuất cả việc đề ra các phương án và kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật có liên quan như Luật Phòng chống tham nhũng.