1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tích cực với cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở

(Dân trí) - Số nhân khẩu, hộ khẩu tăng so với kết quả dự kiến ban đầu; cho người ngoại tỉnh thuê nhà, chủ hộ “bận”, gây khó khăn cho công tác điều tra… là diễn biến ban đầu trong cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở tại Hà Nội.

Mới 6h30 phút sáng nay 1/4, khắp phố phường Hà Nội đã náo nức không khí ngày Tổng điều tra dân số và nhà ở. Cờ, pa nô, áp phích, khẩu hiệu biểu trưng giăng khắp phố phường; hệ thống loa truyền thanh của các phường, quận, huyện như thúc giục cán bộ và nhân dân tích cực, khẩn trương hơn trong công tác điều tra và khai báo.

Theo chân các đoàn điều tra, PV Dân trí đã ghi nhận được nhiều diền biến khác nhau trong ngày đầu tiên điều tra dân số và nhà ở tại một số phường trên địa bàn TP Hà Nội.

Đúng 7h sang, cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở tại UBND phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ chính thức khai mạc. 7h30 phút, 8 tổ điều tra của phường Thụy Khuê bắt đầu ra quân.
 
Tích cực với cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở - 1
Những trao đổi cuối cùng trong văn phòng thường trực phường Thụy Khuê trước khi ra quân (Ảnh: NQ)

Bà Nguyễn Bình (người dân phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) hồ hởi: “Hàng ngày tôi được nghe thông tin về điều tra dân số và nhà ở trên hệ thống loa truyền thanh của phường. Dân số nước ta đang tăng lên từng ngày, tôi thấy điều tra là việc cần thiết và tôi rất ủng hộ”.

Theo sơ đồ và danh sách, bảng kê đã được lập, các điều tra viên trực tiếp đến từng hộ gia đình điều tra về số nhân khẩu, hộ khẩu và diện tích nhà ở hiện tại của ngươi dân. Trong quá trình điều tra, các điều tra viên liên tục báo cáo về văn phòng thường trực UBND các hiệu chỉnh và số liệu thực tế.

Tất cả các phiếu điều tra đều phải theo 1 loại giấy quy định để có thể scan kết quả lên hệ thống mạng và  gửi lên đơn vị cấp trên.

Bà Nguyễn Thị Việt Hà (Cán bộ thường trực BCĐ Tổng điều tra dân số và nhà ở phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) cho biết: “Trong quá trình điều tra, khó khăn lớn nhất mà các điều tra viên gặp phải là ban ngày các gia đình đi vắng, các cháu nhỏ thì đi học nên việc điều tra phải chuyển sang buổi tối. Tuy nhiên, buổi tối thời gian rất ngắn nên các điều tra viên phải cố gắng tiến hành điều tra vào mọi thời điểm khi các hộ có người ở nhà”.

9h30 phút, kết quả ban đầu của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở phường Thụy Khuê đã được Tổ trưởng các tổ điều tra tích cực báo cáo về văn phòng thường trực. Từ báo cáo chưa đầy đủ ở các địa bàn điều tra cho thấy:  số nhân khẩu và hộ khẩu đều tăng so với kết quả dự kiến ban đầu của phường: số nhân khẩu tăng từ 13.963 người lên 14.168 người, 3.920 hộ khẩu tăng lên 4.008 hộ khầu (do tách hộ- PV)…

Tại UBND phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, sau lễ khai mạc, ngày đầu ra quân Tổng điều tra dân số và nhà ở của được chia làm 2 giai đoạn là điều tra thử và điều tra chính thức đối với 4.407 nóc nhà.

Với tổng số 47 điều tra viên điều tra tại 46 địa bàn, cho đến 10h sáng nay các tổ điều tra đã hoàn thành giai đoạn điều tra thử và báo cáo kết quả về UBND phường.
 
Tích cực với cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở - 2
Điều tra viên báo cáo kết quả điều tra thử tại văn phòng Ban chỉ đạo phường Ngọc Hà (Ảnh: NQ)

Trần Kim Thoa (Ủy viên thường trực BCĐ điều tra dân số phường Ngọc Hà) khẳng định: “Kết quả điều tra thử do các tổ điều tra báo cáo về đều chính xác so với kết quả dự kiến. Sau khi kiểm tra các phiếu đều đảm bảo thông tin, số liệu chúng tôi cho tiến hành điều tra chính thức ngay trong ngày hôm nay”.

Ngày đầu tiên ra quân cũng có những thuận lợi và khó khăn không thể tránh khỏi trong công tác điều tra của các điều tra viên. Bà Đinh Thị Kim Thoa (Tổ trưởng kiêm điều tra viên tổ 42A, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình) cho hay: “Đa số các hộ dân đều tích cực hợp tác với tổ điều tra. Tuy nhiên, có nhiều hộ cho người lao động ngoại tỉnh thuê trọ, vào thời điểm đoàn đến làm việc thì người dân lại không có mặt ở đó nên chúng tôi phải mất thời gian đến nhiều lần.
 
Tích cực với cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở - 3
Bà Lê Thị Thanh Loan, Phó Cục trưởng Cục Thống kê TP kiểm tra giấy tờ của các điều ta viên phường 11, quận 3. (Ảnh: ĐT)
 
Cũng có một số hộ dân chưa hiểu rõ về việc kê khai diện tích nhà ở nên tránh né vì vậy chúng tôi phải giải thích lại thật cặn kẽ cho họ, khi họ cảm thấy tin tưởng rồi họ mới phối hợp với đoàn điều tra”.
 

Cũng trong sáng nay, gần 18.000 điều tra viên, tổ trưởng và Ban chỉ đạo điều tra cấp quận, huyện tại TPHCM đã đồng loạt ra quân đến từng hộ gia đình trực tiếp phỏng vấn thu thập thông tin về tình hình dân số và nhà ở trên địa bàn. 

 

Trong ngày đầu tiên, ông Nguyễn Đức Hoà, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Phó ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở, cùng đại diện của UNFPA, Cục thống kê thành phố đã đến phường 11 (quận 3) và thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh) để gặp gỡ lãnh đạo ban chỉ đạo điều tra cấp quận, huyện, phường, xã... để xem xét việc triển khai và thực hiện.

 
Tích cực với cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở - 4
Thứ trưởng Hòa trực tiếp đến từng hộ gia đình, tham gia vào quá trình điều tra. (Ảnh: ĐT)
 

Để chuẩn bị cho công tác điều tra, lãnh đạo quận đã chỉ đạo rà soát, lên kế hoạch đầy đủ nên việc thực hiện không có trở ngại gì. Năm 2009, nhờ có sự hỗ trợ của phương tiện, tài liệu huấn luyên (sách, lô go, áp phích...) tốt nên việc triển khai thuận lợi.

 

Tuy nhiên theo đại diện quận 3 cho biết: “Bên cạnh những thuận lợi vẫn có một số khó khăn: Thời gian triển khai Tổng điều tra chậm so Kế hoạch tiến độ, do đó cơ quan Thống kê địa phương bị dồn quá nhiều việc trong tháng 2 và tháng 3/2009. Tiền công cho điều tra viên thấp so với thị trường lao động. Tài liệu tuyên truyền, sách, logo, áp phích, cấp phát lắc nhắc. Công tác phí cho Ban chỉ đạo các cấp không có. Phương tiện cấp phát chậm. Ngoài ra số viết được cấp về khoảng 2% không có ruột.

 

Còn về phía lãnh đạo thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh) cho biết: “Toàn thị trấn được chia làm 31 địa bàn do 31 điều tra viên, 8 tổ trưởng thực hiện. Vì là một đìa bàn có khoảng 70% dân làm nông nghiệp, người nhập cư cũng nhiều nên cũng gặp rất nhiều khó khăn cho các điều tra viên. Để thực hiện đúng tiến độ quy định, Ban chỉ đạo điều tra đã thống nhất là sẽ làm thêm từ 22 giờ tối cho đến 4 giờ sáng”

 

Sau khi nghe ý kiến của Ban chỉ đạo quận, huyện, ông Nguyễn Đức Hoà đã ghi nhận những khó khăn và nổ lực mà các điều tra viên, tổ trưởng... đang phải khắc phục. Ông Hoà nhận mạnh khi thực hiện các điều tra viên cần cố gắng giảm tỷ lệ sai sót đến mức thấp nhất và đảm bảo đúng tiến độ theo yêu cầu. Tuy nhiên ông Hoà cũng tỏ ra lạc quan vào khả năng thực hiện cuộc Tổng điều tra sẽ hoàn thành thuận lợi và đạt kết quả cao.

 

Về cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở, theo chị Lê Bích Thuỷ, điều tra viên của phường 11 (quận 3): “Đa số người dân đều hưởng ứng, nhiều người vì công việc nhưng vẫn chủ động liên lạc với các điều tra viên để bố trí giờ phù hợp. Tuy nhiên có một số người dân do chưa hiểu nên vẫn còn lo sợ mỗi khi được hỏi đến diện tích nhà ở. Để giúp người dân hiểu hơn chúng tôi phải phân tích kỹ lý do cuộc điều tra này nên mọi người đều vui vẻ thực hiện”

 
Tích cực với cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở - 5
Bà Sheila Macrea được đại diện lãnh đạo thị trấn Tân Túc giới thiệu về sơ đồ địa bàn được phân chia trong cuộc tổng điều tra. (Ảnh: ĐT)
 

Bà Sheila Macrea, Nguyên Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam, giám sát cuộc Tổng điều tra tại TPHCM cho rằng: “Tôi rất vui mừng khi thấy công tác chuẩn bị của các bạn rất đầy đủ và đàng hoàng. Việc vẽ sơ đồ khá chi tiết, các điều tra viên khá kinh nghiệm và được bồi dưỡng khá chu đáo. Buổi sáng nay tôi tiếp xúc một người dân và cảm nhận người dân Việt Nam khá gần gủi và dễ gần. Tôi tin các bạn sẽ sớm hoàn thành cuộc Tổng điều tra này”

 

Được biết, sau khi kiểm tra, giám sát việc thực hiện Cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở tại TPHCM, ông Nguyễn Đức Hoà sẽ tiếp tục đến Đồng Nai vào chiều hôm nay.
 
Tại Đà Nẵng, gần 1.500 điều tra viên, tổ trưởng, giám sát viên sẽ tiếp cận khoảng 200.000 hộ dân với khoảng 8.800 nhân khẩu và trên 11.000 nhân khẩu đặc thù.

Trong lễ ra quân tại quận Hải Châu, ông Lê Công Phùng, Cục trưởng Cục Thống kê, Phó Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở 2009 tại thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh yêu cầu các điều tra viên phải nắm chắc địa bàn, hỏi đúng, hỏi đủ và điền thông tin chính xác, trung thực trên mẫu điều tra. Đồng thời, kêu gọi nhân dân hưởng ứng tích cực, giúp đỡ các điều tra viên, cán bộ phụ trách hoàn thành công tác.
 
Tại địa bàn huyện Hoà Vang, sáng nay, 30 đoàn điều tra viên cũng đồng loạt toả xuống địa bàn 11 xã trực thuộc bắt đầu công tác điều tra. Anh Phan Định, điều tra viên tại huyện Hoà Vang cho biết: Khó khăn trong công tác điều tra tại địa bàn huyện là có nhiều cơ sở đặc thù, như trại 05-06, trường Dân tộc nội trú Hoà Bắc và hơn 300 hộ dân tộc thuộc 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí.
 
Tại quận Sơn Trà, các điều tra viên xác định phải xuống nhà dân nhiều lần để tiếp cận cho được các đối tượng là công nhân từ xa đến trọ, làm việc tại các khu công nghiệp và các đối tượng là ngư dân đánh bắt dài ngày ngoài khơi xa.
 
Được biết, trong cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở 2009 tại thành phố Đà Nẵng, ngoài phần kinh phí TW cấp, TP đã bổ sung thêm hơn 350 triệu đồng để tăng định mức ngày công cho các điều tra viên và công tác phí cho cán bộ phụ trách. Toàn thành phố, dự kiến hoàn thành điều tra thực tế trước ngày 20/4.
 
Theo Cục thống kê TP Cần Thơ, đến tháng 1/2009 toàn thành phố có 85 xã, phường; 2.183 địa bàn điều tra (1.863 điều tra toàn bộ và 320 điều tra mẫu) với tổng số 281.663 hộ gia đình, 1.165.996 nhân khẩu. TP Cần Thơ đã tiến hành chọn 2.237 điều tra viên và tổ trưởng để thực hiện nhiệm vụ.
Bà Huỳnh Cẩm Nhung - Cục trưởng Cục Thống kê TP.Cần Thơ, cho biết hôm nay toàn thành phố đồng loạt ra quân làm nhiệm vụ thống kê nhưng chỉ giới hạn mỗi điều tra viên điều tra dưới 6 phiếu, sau đó sẽ họp rút kinh nghiệm. Cũng theo bà Nhung, ngày đầu không có sai sót đáng kể nhưng điều viên thì vẫn còn khá lúng túng.
 
Tỉnh Cà Mau có 3.600 người tham gia điều tra trên 2.209 địa bàn với 284.137 hộ. Cục trưởng Cục Thống kê Cà Mau, ông Nguyễn Văn Bé cho biết ngày đầu mỗi điều tra viên chỉ điều tra 3 hộ là đủ. Theo ông Bé, điều kiện đi lại ở các địa phương rất khó khăn, chủ yếu là bằng đường thủy nên thực hiện “chậm” để đảm bảo chắc chắn. Cuối mỗi ngày, đều có họp rút kinh nghiệm cho ngày tiếp theo.
Ban chỉ đạo điều tra tỉnh Cà Mau cho rằng khó khăn chủ yếu là việc xác định các nhân khẩu thường trú, rất dễ bị bỏ sót nên tỉnh cũng đã phân công cán bộ kiểm tra, giám sát chặt chẻ để bổ sung cho kịp thời.
 
Như Quỳnh - Đức Tri - Khánh Hiền - Huỳnh Hải