Bắt đầu tổng điều tra dân số và nhà ở

(Dân trí) - Dân số Việt Nam hiện nay bao nhiêu, tỷ lệ chênh lệch giới và số người khuyết tật; thực trạng thị trường lao động và chất lượng nhà ở… Tất cả sẽ được tìm hiểu cặn kẽ trong cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở, bắt đầu thực hiện từ hôm nay, 1/4.

Bắt đầu tổng điều tra dân số và nhà ở - 1
Tổng kinh phí cho tổng điều tra dân số lần này là khoảng 33 triệu USD
 
Điều tra toàn diện về mặt xã hội

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức cho hay, nội dung điều tra dân số lần này sẽ sâu rộng hơn nhiều so với trước: Cán bộ điều tra sẽ thu thập thêm các thông tin về quy mô, cơ cấu, phân bổ và các đặc trưng cơ bản của gia đình Việt Nam; hoạt động kinh tế; tình trạng khuyết tật của dân cư làm cơ sở đánh giá chất lượng dân số, xây dựng chính sách đối với những người khuyết tật.

Các câu hỏi cần giải đáp, các ý kiến đóng góp cho việc tiến hành Tổng điều tra, người dân có thể phản ánh bằng cách gọi điện thoại theo đường đây nóng về Văn phòng Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương theo số máy: (04) 3775 5858 hoặc (04) 3775 9642.
Vấn đề lao động việc làm cũng được chú trọng, với 10 câu hỏi trong tổng số 57 câu của mẫu điều tra (theo cách tiếp cận được Tổ chức Lao động thế giới (ILO) khuyến cáo).

Về nhà ở, bên cạnh diện tích còn có các câu hỏi về tiện nghi sinh hoạt thiết yếu như số phòng ở, điện thoại, máy vi tính và nhiên liệu đun nấu…

Diện điều tra cũng sẽ được mở rộng, tới 15% (trước đây là 3-5%) số hộ dân; mục đích là để đảm bảo tính chính xác của số liệu điều tra cả đối với cấp quận, huyện, giúp cấp này cũng có thể sử dụng được số liệu điều tra trong việc hoạch định chính sách.

Liên Hợp Quốc sẽ giám sát

 

“Hỗ trợ cho cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 là một ưu tiên then chốt của Liên Hợp Quốc(LHQ) tại Việt Nam. Cuộc điều tra sẽ cung cấp cho Chính phủ những thông tin cần thiết giúp quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho 10 năm tiếp theo được vững mạnh hơn” - ông John Hendra, Điều phối viên Thường trực LHQ nói.

 

30 cán bộ LHQ sẽ phối hợp giám sát cuộc tổng điều tra tại 21 tỉnh, thành trên khắp cả nước từ 1-15/4/2009.

 

Ông Bruce Campbell, Đại diện UNFPA nói: "Chất lượng các quyết định phụ thuộc vào độ chính xác của thông tin. Tổng điều tra dân số năm nay sẽ cung cấp các thông tin và số liệu chính giúp chúng tôi hỗ trợ Việt Nam được tốt hơn trong việc thiết kế và thực hiện các chương trình phát triển".

Ngay sau khi cuộc tổng điều tra kết thúc, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) sẽ hỗ trợ phân tích và công bố số liệu điều tra.  

 

Tổng kinh phí cho tổng điều tra dân số lần này là khoảng 33 triệu USD, tức là khoảng 0,38 USD một người. Ông Bruce Campbell cho biết: “Nhiều người cho rằng đầu tư cho một cuộc tổng điều tra dân số như thế này là quá tốn kém, nhưng nếu chúng ta so sánh chi phí điều tra trên đầu người dân của Việt Nam với một số nước khác trong khu vực thì chi phí này thấp hơn rất nhiều. Mặt khác, nếu chúng ta xây dựng chương trình dựa trên các số liệu không chính xác thì các chương trình đó còn tốn kém hơn rất nhiều”.

 
Các địa phương đã sẵn sàng

Ông Nguyễn Đức Hòa, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiêm Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc Tổng điều tra cho biết: Các địa phương trên toàn quốc đã sẵn sàng cho cuộc Tổng điều tra. So với năm 1999, cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở lần này sẽ mở rộng thêm 3 nội dung mới gồm: Điều tra về số lượng người khuyết tật; điều tra về thị trường lao động và điều tra về chất lượng nhà ở.

Bắt đầu tổng điều tra dân số và nhà ở - 2

Biểu ngữ, bằng rôn chuẩn bị cho ngày Tổng điều tra dân số treo khắp các tuyến đường TPHCM (Ảnh: Đức Tri, chụp tại đường Vạn Kiếp, quận Bình Thạnh)
 
Việc phân định địa bàn điều tra, vẽ sơ đồ và lập bảng kê cũng như lập danh sách nhân khẩu đặc thù đang được triển khai. Ban chỉ đạo các cấp đã chỉ đạo tiến hành rà soát, hiệu chỉnh kết quả vẽ sơ đồ, lập bảng kê tại các xã/phường nhằm tránh xảy ra tình trạng bỏ sót hộ, nhân khẩu có thể xảy ra.

Về vấn đề nhân lực, cuộc Tổng điều tra này sẽ có 30.000 người (đã được tập huấn) trực tiếp tham gia điều tra, bao gồm: tổ trưởng điều tra, điều tra viên, cán bộ Ban chỉ đạo và Văn phòng giúp việc các cấp, các ngành trong Tổng điều tra. 

Việc xử lý và tổng hợp kết quả Tổng điều tra này do 3 Trung tâm tin học thống kê ở Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng thực hiện. Công tác nhập tin được tiến hành bằng công nghệ quét là chủ yếu, có kết hợp với nhập tin bằng bàn phím và một số phiếu điều tra thủ công.

Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc Tổng điều tra cũng cho biết, kết quả Tổng điều tra sẽ được phổ biến kịp thời, rộng rãi, minh bạch đúng quy luật thống kê quy định theo lộ trình: kết quả sơ bộ của Tổng điều tra sẽ được công bố vào tháng 7/2009. Kết quả điều tra mẫu công bố vào tháng 12/2009. Kết quả điều tra toàn bộ sẽ công bố vào Quý III/2010.
 

TPHCM: Thu thập cả thông tin của người lang thang, cơ nhỡ

Đúng 7 giờ sáng nay, 18.000 điều tra viên của TPHCM sẽ đến phỏng vấn từng hộ gia đình. Để chuẩn bị cho cuộc Tổng điều tra này, ngay từ giữa năm 2008, TP đã lên kế hoạch chuẩn bị. Cơ bản đã vẽ sơ đồ và chia thành phố ra làm 12.485 địa bàn điều tra, lập bảng kê các hộ trên toàn bộ thành. Cuộc điều tra lần này cứ 4 điều tra viên sẽ có 1 tổ trưởng để thực hiện - bà Lê Thị Thanh Loan, Phó cục trưởng Cục Thống kê TPHCM cho biết.

Ngoài ra, điều tra viên còn thu thập thông tin của người không có hộ khẩu, khách đến du lịch, khám chữa bệnh và người lang thang, cơ nhỡ đang tạm trú trên địa bàn.   

Riêng việc điều tra nhà ở, điều tra viên không chỉ tìm hiểu người có sở hữu nhà mà ngay cả người thuê nhà hoặc ở “nhờ” cũng tham gia khai báo. Thông tin thu thập sẽ được bảo mật.   

Văn phòng Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở TPHCM cũng đưa ra đường dây nóng để giải đáp những thắc mắc của người dân cần tìm hiểu các vấn đề liên quan trong cuộc tổng điều tra lần này. Những số nóng này là: 1800577789 (miễn phí) hoặc số điện thoại 38237091. 

Được biết, dân số tại TPHCM năm 2008 có trên 6,8 triệu người.

 
Phạm Thanh - Lan Hương - Đức Tri