Thụy Sỹ tài trợ 365.000 Franc cho Việt Nam làm dự án thông tin viễn thám cây lúa

(Dân trí) - Cơ quan Phát triển và hợp tác Thụy Sỹ sẽ hỗ trợ không hoàn lại cho Việt Nam 365.000 Franc Thụy Sỹ, để thực hiện giai đoạn 3, dự án “Thông tin viễn thám và bảo hiểm nông nghiệp tại các nền kinh tế mới nổi” (RICE 3) trong 24 tháng tới.

Chiều nay (17/7) tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sỹ tại Việt Nam - bà Beatrice Maser Mallor chủ trì lễ ký kết thỏa thuận hỗ trợ thực hiện giai đoạn 3, dự án “Thông tin viễn thám và bảo hiểm nông nghiệp tại các nền kinh tế mới nổi”.

 Dự án “Thông tin viễn thám và bảo hiểm nông nghiệp tại các nền kinh tế mới nổi” sử dụng tín hiệu vệ tinh miễn phí để cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan như: bản đồ, số liệu về diện tích lúa, năng suất lúa…Thông qua các số liệu này, các cơ quan liên quan có thể dễ dàng theo dõi thực trạng sản xuất lúa. Các bản đồ theo dõi thiên tai như: hạn hán, lũ lụt, mặn xâm nhập cũng sẽ giúp nông dân và chính quyền địa phương phản ứng kịp thời và hiệu quả hơn.

Triển khai giai đoạn 3 của dự án, Cơ quan Phát triển và hợp tác Thụy Sỹ sẽ hỗ trợ không hoàn lại 365.000 Franc Thụy Sỹ, tương đương 82% giá trị dự án, về phía Bộ NN&PTNT Việt Nam sẽ đối ứng 18% kinh phí. Theo đó, dự án sẽ hoàn thiện các bước cuối cùng để tích hợp thông tin viễn thám và bảo hiểm nông nghiệp tại các nền kinh tế mới nổi vào hệ thống theo dõi canh tác và sản xuất lúa chính thức của Bộ NN&PTNT.

Thụy Sỹ tài trợ 365.000 Franc cho Việt Nam làm dự án thông tin viễn thám cây lúa - 1
Thụy Sỹ tài trợ 365.000 Franc cho Việt Nam làm dự án thông tin viễn thám cây lúa - 2

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh và Đại sứ Liên bang Thụy Sỹ tại Việt Nam -  bà Beatrice Maser Mallor ký hiệp định.

Trong giai đoạn 1 và 2, các đối tác nước ngoài và trong nước đã thực hiện thử nghiệm và hiệu chỉnh các thông số. Tại Việt Nam, Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp và Đại học Cần thơ đã thực hiện đo đạc và xác thực tại hiện trường, cũng như xử lý số liệu tại 2 vựa lúa chính của Việt Nam là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.

Cảm ơn sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ và Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam luôn đồng hành hỗ trợ phát triển nông nghiệp của Việt Nam thời gian qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định, giai đoạn 3 của dự án có ý nghĩa quan trọng giúp nông nghiệp Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ hơn tái cơ cấu nông nghiệp với công nghệ mới, tiên tiến nhất trong phát triển nông nghiệp đặc biệt trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.

"Tin tưởng rằng với thành công của 2 pha trước của dự án cùng với sự quan tâm hỗ trợ của phía Thụy Sỹ cũng như các đối tác trong và ngoài nước chúng ta sẽ thực hiện thành công dự án trong giai đoạn 3. Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đồng thời cam kết tạo mọi điều kiện để các đối tác và địa phương cũng như các cơ quan liên quan thực hiện thành công dự án" - Thứ trưởng Doanh cho biết.

Về phần mình, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sỹ tại Việt Nam, bà Beatrice Maser Mallor cho biết, với công nghệ này, các cơ quan trong ngành nông nghiệp có thể tiếp cận số liệu chính xác, khách quan và kịp thời qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo, và nhất là tăng cường công tác quản lý rủi ro thiên tai.

"Giai đoạn 3 cũng là giai đoạn cuối của dự án giữ vai trò quan trọng vì đây chính là bước cuối cùng để giúp thể chế hóa và lồng ghép vào hệ thống theo dõi sản xuất lúa chính thức của Bộ NN&PTNT Việt Nam, đồng thời hỗ trợ chương trình bảo hiểm nông nghiệp vừa được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định ngày 26/6/2019. Tôi hy vọng rằng, Bộ NN&PTNT Việt Nam cũng như các đối tác trong lĩnh vực bảo hiểm sẽ tiếp tục hợp tác hiệu quả sau khi dự án kết thúc" - bà Beatrice Maser Mallor chia sẻ thêm. 

Nguyễn Dương