1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thủy điện Hòa Bình xả lũ làm cá chết: Dân có được đền bù?

(Dân trí) - Công ty thủy điện Hòa Bình sau khi mở 3 cửa xả lũ (18h ngày 18/7, 6h ngày 19/7, 6h ngày 22/7) đã làm hàng trăm tấn cá nuôi lồng của các hộ dân ở lưu vực sông Đà bị chết, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Đại diện Công ty thủy điện Hòa Bình xác nhận việc xả lũ đã làm cá chết, việc đền bù phải do Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết định.


Cá nuôi lồng của một hộ dân ở huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) bị chết do việc xả lũ của thủy điện Hòa Bình, khiến người nuôi xót xa. (Ảnh: Đàm Quang).

Cá nuôi lồng của một hộ dân ở huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) bị chết do việc xả lũ của thủy điện Hòa Bình, khiến người nuôi xót xa. (Ảnh: Đàm Quang).

Liên quan đến nội dung trên, chiều 22/7, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đặng Trần Công, Chánh văn phòng công ty thủy điện Hòa Bình xác nhận việc xả lũ đã ảnh hưởng đến các hộ nuôi cá lồng trên lưu vực sông Đà ở tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ.

"Chúng tôi xả lũ theo lệnh của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai. Việc xả lũ đã làm cho mực nước sông Đà tăng cao, tốc độ dòng chảy lớn hơn, lượng bùn nhiều hơn dẫn đến cá nuôi lồng ở lưu vực con sông này bị chết" - ông Công nói.

Về việc công ty thủy điện Hòa Bình có kế hoạch hỗ trợ các hộ dân nuôi cá lồng bị thiệt hại nói trên, ông Công nhắc lại, việc xả lũ là làm theo lệnh của cấp trên và các địa phương cũng đã được thông báo trước. Còn vấn đề có hỗ trợ các hộ dân nuôi cá lồng phải do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định.

Liên quan đến nội dung trên, sáng nay (23/7), trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đặng Hoàng An, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN Việt Nam) cho biết: Trong mùa mưa lũ, theo quy định các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Hồng phải có trách nhiệm tuân thủ tuyệt đối lệnh điều hành của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

Còn về việc EVN Việt Nam có kế hoạch hỗ trợ các hộ dân nuôi cá lồng bị chết trên lưu vực sông Đà do ảnh hưởng của đợt xả lũ vừa qua tại thủy điện Hòa Bình, ông An trả lời: "Đề nghị liên hệ với Bộ NN&PTNT và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai".

Trước đó, như đã đưa tin, mưa lớn liên tục trong tháng 6 vừa qua và ảnh hưởng từ cơn bão số 2 khiến mực nước trên các hồ thủy điện miền Bắc ở mức cao. Lúc 10h sáng 18/7, mực nước ở hồ Hòa Bình ở cao trình 105,84m. Trong khi đó, lưu lượng nước đổ về hồ là 3.060 m3/giây.

Theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai lệnh Giám đốc công ty thủy điện Hòa Bình mở 2 cửa xả đáy ở hồ thủy điện Hòa Bình vào ngày 18/7 và 19/7.

Sau 2 ngày xả lũ, lúc 8h sáng 21/7, mực nước hồ thủy điện Hòa Bình vẫn ở cao trình 106,32m (cao hơn trước khi xả) và cao hơn mực nước cho phép là 5,32m.

Trước tình hình này, Công ty điện lực Hòa Bình được chỉ đạo mở thêm cửa xả lũ số 3 vào 6h sáng 22/7.

Liên quan việc xả lũ của thủy điện Hòa Bình trong những ngày qua, tính đến 11h trưa ngày 21/7, tại 2 huyện Thanh Sơn và Thanh Thủy của tỉnh Phú Thọ đã có 160 lồng cá nuôi bị thiệt hại, trong đó có 93 lồng có số lượng cá chết trên 70%, 67 lồng có số cá chết từ 30-70%. Tổng số lượng cá chết khoảng 240 tấn, ước tính thiệt hại khoảng hơn 10 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) về thiệt hại do xả lũ đập Thủy điện Hòa Bình gây ra, tại huyện Kỳ Sơn, diện tích lúa bị ngập lụt là 6 ha; có 39 hộ nuôi cá lồng bị chết cá với tổng số 35,6 tấn, thiệt hại hơn 6,6 tỷ đồng.

Nguyễn Dương