1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bình Định:

Thủy điện cắt nước, nông dân điêu đứng vì lúa chờ chết

(Dân trí) - Hơn 136 ha lúa vụ Đông Xuân năm 2016 của nông dân 2 thôn Trung Sơn và Thượng Sơn (huyện Tây Sơn, Bình Định) đang trong gia đoạn làm đòng, trổ bông nhưng có nguy cơ mất trắng vì thủy điện cắt nước đột ngột.

Thấp thỏm chờ nước

Theo người dân cho biết, từ giữa tháng 12/2015 đến nay, Nhà máy Thủy điện An Khê-KaNak (tại xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn) cắt nước, nước tự nhiên không có khiến suối Cát cạn trơ đáy. Trong khi toàn bộ diện tích lúa trên chủ yếu ăn nước của thủy điện này.

Ghi nhận tại địa bàn 2 thôn Trung Sơn và Thượng Sơn thuộc xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, Bình Định), người dân như ngồi trên đống lửa, bởi toàn bộ hơn 136 ha lúa đứng trước nguy cơ mất trắng. Lom khom giữa dòng suối Cát để vắt từng giọt nước, nông dân Lê Văn Tỵ (62 tuổi, thôn Thượng Sơn) thở dài: “Gia đình có 2 sào ruộng, hiện lúa đang trổ bông lác đác nhưng cả tháng nay không có giọt nước tưới, lúa nghẽn bông không trổ được. Từ trước Tết, nhà máy thủy điện cắt không xả nước. Nếu thủy điện không xả nước hay trời không đổ mưa mà nắng lên thì chắc chắn 2 sào lúa nhà tui và nhiều hộ dân ở đây chết cháy”.


Nông dân 2 thôn Trung Sơn và Thượng Sơn băm vằm suối Cát vắt từng giọt nước cứu 136 ha lúa.

Nông dân 2 thôn Trung Sơn và Thượng Sơn băm vằm suối Cát vắt từng giọt nước cứu 136 ha lúa.

Hiện tại chỉ riêng 2 thôn Thượng Sơn và Trung Sơn có hơn 136 ha lúa Đông Xuân của hàng trăm hộ dân bị thiếu nước nghiêm trọng, nguy cơ mắt trắng. Nhiều diện lúa đang làm đồng trổ bông do thiếu nước nên bông lúa chỉ ngậm sữa được một số hạt đầu bông, còn lại hạt lúa bị lép hết. Thậm chí, nhiều đám ruộng thiếu nước lúa trổ không nỗi nên bà con chủ động cắt cho bò ăn. Một số đám ruộng do không có nước cũng đành bỏ đất trắng.

Chỉ tay vào đám ruộng thiếu nước, ông dân Trần Văn Phê (41 tuổi) phân trần: “Nông dân chúng tôi làm mấy sào ruộng mong lấy hạt gạo ăn đỡ phải mua ngoài. Nhưng giờ đây thủy điện cắt nước, trời lại không mưa thì vụ này chắc chắn đói ăn”.

Nông dân Trần Văn Phê bên đám ruộng lúa trỗ nhưng lép hết
Nông dân Trần Văn Phê bên đám ruộng lúa trỗ nhưng lép hết

Ông Hồ Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Thuận, cho biết: Trước Tết nguyên đán đến nay nhà máy thủy điện An Khê-KaNak cắt nước nên toàn bộ diện tích khoảng 142 ha của 2 thôn Trung Sơn và Thượng Sơn đến giai đoạn làm đòng trổ bông nhưng lúa đứng đơ. Nếu trong khoảng một tuần tới mà không có nước tưới thì toàn bộ diện tích lúa trên sẽ bị chết cháy. Địa phương đã chỉ đạo cho HTXNN Tây Thuận nạo vét lòng suối Cát để vét nước cứu lúa, nhưng lòng suối đã cạn khô.

Cầu cứu Bộ NN-PTNT

Hiện nay, để cứu cây lúa nông dân 2 thôn Trung Sơn và Thượng Sơn kéo nhau ra suối Cát vét cát trong lòng suối “vắt” từng giọt nước. Tuy nhiên, lòng suối Cát trơ đáy không còn nước nên những nỗ lực của nông dân thành công cốc. Người dân cho rằng, trước khi có Nhà máy Thủy điện An Khê-KaNak, lòng suối Cát còn lớp cát dày, khi suối cạn thì nông dân vét cát vẫn còn nước ngầm. Tuy nhiên, 2 năm liên tục thủy điện Khê-KaNak xả nước vào suối Cát để sản xuất điện thì lớp cát dưới lòng suối bị đẩy ra sông Kôn chỉ còn trơ đá tảng nên mất nguồn nước ngầm.

Vắt từng giọt nước cứu lúa
Vắt từng giọt nước cứu lúa

Trao đổi về vấn đề trên, ông Đỗ Văn Sỹ, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết, hiện toàn bộ diện tích lúaở xã Tây Thuận phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước của thủy điện An Khê-Kanak. Tuy nhiên, từ giữa tháng 12/2015 đến nay, thủy điện cắt nước, nguồn nước trong suối Cát cũng cạn kiệt, nông dân không còn nước tưới. Trong khi đó, để đảm bảo năng suất của cây lúa thì từ nay đến cuối vụ cần 6 đợt tưới nữa. UBND huyện cũng có văn bản UBND tỉnh và Sở NN-PTNT Bình Định kiến nghị với Nhà máy Thủy điện An Khê-KaNak xả nước cứu lúa nhưng đến nay vẫn chưa thấy nước về.

Ruộng đồng bỏ hoang vì thiếu nước do thủy điện An Khê - Kanak cắt nước
Ruộng đồng bỏ hoang vì thiếu nước do thủy điện An Khê - Kanak cắt nước

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định Nguyễn Hữu Vui thông tin, Sở đã có văn bản gửi Bộ NN-PTNT, đề nghị Bộ can thiệp với thủy điện An Khê-KaNak yêu cầu đến ngày 3/3 xả nước để cứu hơn 136 ha lúa.

Doãn Công