1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: “Trung Quốc đặt ra đường lưỡi bò chỉ là cái cớ”

(Dân trí) – Theo Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, việc Trung Quốc đặt ra “đường lưỡi bò” chỉ là cái cớ của họ nhằm đụng đến tất cả các nước có liên quan và kiểm soát an ninh đường hàng hải quốc tế.

LTS: Việc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố sẵn sàng đàm phán với ASEAN để cho ra được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) vào đầu tháng 5/2013 vừa qua đã khiến dư luận hết sức quan tâm. Cộng đồng quốc tế hy vọng một Bản quy tắc ứng xử trên Biển Đông sẽ sớm ra đời để góp phần ổn định tình hình khu vực. Tuy nhiên, trước khi cuộc đàm phán này được diễn ra, không ít các học giả bày tỏ sự lo lắng cho sự thành công của cuộc đàm phán bởi “hòn đá tảng”, “đường lưỡi bò” .

 

PV đã có cuộc phỏng vấn Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu – Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam về vấn đề này.

 

PV: Thưa Thượng tướng, ông đánh giá thế nào về lời tuyên bố của Ngoại trưởng TQ Vương Nghị sẵn sàng ngồi đàm phán COC với ASEAN?

 

Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu: Ngày 25/4, Thái Lan đã kêu gọi các bộ trưởng ngoại giao ASEAN thống nhất một lập trường chung về Biển Đông, trước các cuộc thảo luận tại Bắc Kinh vào cuối năm nay. Và hiện thời, toàn bộ khối ASEAN sẵn sàng thảo luận về Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

 

Ngày 2/5, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố sẵn sàng ngồi đàm phán COC với ASEAN. Tất cả những tín hiệu này cho thấy một sự tích cực trong bối cảnh hiện nay Biển Đông. Và mọi người đều đang chờ Trung Quốc thực hiện lời nói này.

 
Thượng tướng, viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu.

Thượng tướng, viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu.
 

Dù các bên đã tuyên bố như vậy nhưng thời gian từ khi ngồi vào bàn đàm phán cho đến khi Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông là điều được quan tâm đặc biệt. Trên quan điểm của một nhà khoa học, theo Thượng tướng, điều gì sẽ quyết định thời điểm COC ra đời?

 

Dù quan điểm của các bên cụ thể như thế nào thì các luận điểm vẫn phải dựa trên Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông đã có trước đó. Trung Quốc là nước lớn nên lắng nghe để tìm giải pháp ổn định trong khu vực.

 

Không những vậy, cả Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN đều cần có thiện chí cùng vì một sự ổn định, hoà bình trong khu vực, cùng phát triển, hướng tới tương lai.

 

Dự đoán về nội dung đàm phán COC: luận điệu của TQ sẽ là mặc nhiên thừa nhận việc tồn tại của “đường lưỡi bò”. Còn vấn đề Hoàng Sa, TQ sẽ không bàn tới. TQ sẽ yêu cầu bàn vấn đề trong chính lãnh hải của các nước có liên quan rằng “đường lưỡi bò” đi qua lãnh hải của các nước này. Thượng tướng có nghĩ như vậy không?

 

Khả năng này rất có thể xảy ra. Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam là điều không cần bàn cãi. Về “đường lưỡi bò”, đó là một yêu sách hết sức phi lý của TQ. Yêu sách này phi lý đến mức ngay chính những nhà khoa học của TQ cũng phản đối.

 

Học giả Lý Lệnh Hoa (Li Linghua), nghiên cứu viên của Trung tâm nghiên cứu Hải dương Quốc gia Trung Quốc, là người có nhiều năm nghiên cứu và có nhiều bài phân tích về vấn đề biển và luật biển trên các báo và tạp chí lớn của Trung Quốc. Ông đã có nhiều bài phát biểu thẳng thắn phê phán những quan điểm sai trái về vấn đề Biển Đông, bác bỏ “đường biên giới 9 đoạn” (còn gọi là “đường lưỡi bò”), chủ trương giải quyết những tranh chấp theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế.

 

Ông cho rằng việc coi "đường lưỡi bò" do chính quyền Trung Hoa dân quốc vẽ ra năm 1947 là ranh giới phân định vùng biển của Trung Quốc là quan điểm thủ cựu và nhận thức sai lầm.

 

Mới đây nhất, ngày 30/4, một học giả Trung Quốc lấy bút danh là Lý Oa Đằng đăng trên Sina, diễn đàn mạng lớn nhất Trung Quốc, bài viết “Cửu đoạn tuyến đích tồn phế” (Đường 9 đoạn, giữ lại hay xóa bỏ).

 

Theo học giả này, “đường lưỡi bò" không có căn cứ và không phải là đường lãnh hải của Trung Quốc, thiếu tính pháp luật.

 

Không chỉ có các học giả Trung Quốc mà cả các học giả khác trên thế giới cũng không đồng tình với yêu sách này. Tại hội thảo quốc tế với chủ đề “Chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - khía cạnh lịch sử và pháp lý”, do Trường ĐH Phạm Văn Đồng tổ chức tại Quảng Ngãi ngày 27/4 vừa qua, nhiều học giả đến từ Úc, Canada, Mỹ đã khẳng định: “Không tòa án nào công nhận “đường lưỡi bò”.

 

Thưa Thượng tướng, dù rất nhiều học giả đã lên tiếng chỉ trích về yêu sách “đường lưỡi bò” của TQ là hết sức phi lý như vậy nhưng lãnh đạo TQ dù biết bị phản mà đối vẫn theo đuổi yêu sách này. Là nhà khoa học, ngoại giao quân sự, Thượng tướng đánh giá thế nào về hành động này của TQ?

 

Tôi cho rằng: TQ đặt ra “đường lưỡi bò” chỉ là cái cớ của họ nhằm đụng đến tất cả các nước có liên quan và kiểm soát an ninh đường hàng hải quốc tế.

 

Trong trường hợp này, TQ có thể suy tính: Được thì được, không được cũng không sao. Khi nhận thấy thái độ của các nước không quyết liệt cộng thêm “cơn khát” tài nguyên để phục vụ cho nền kinh tế đang phát triển nóng, TQ đã quyết tâm bá chiếm Biển Đông.

 

Theo ông, nếu TQ quyết tâm theo đuổi yêu sách “đường lưỡi bò” thì họ sẽ được gì và mất gì trong bối cảnh hiện nay?

 

Nếu TQ cố tình theo đuổi yêu sách phi lý này, các nước có liên quan đến Biển Đông và cộng đồng quốc tế sẽ đoàn kết lại để đấu tranh bảo vệ quyền và chủ quyền của mình tại khu vực biển tối quan trọng  nhất là an ninh đường hàng hải quốc tế.

 

Khi đó, TQ sẽ bị không chỉ các nước trong khu vực cũng như thế giới xa lánh mà ngay chính nhân dân TQ cũng sẽ không đồng tình với giới lãnh đạo. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ mất nhiều hơn được.

 

Trân trọng cảm ơn Thượng tướng đã trả lời phỏng vấn!

 

Nam Cường