Thường trực Chính phủ: Đường cao tốc phải có tối thiểu 4 làn xe hoàn chỉnh
(Dân trí) - Quy mô đường cao tốc phải có quy mô tối thiểu 4 làn xe hoàn chỉnh để tránh lãng phí, khó khăn khi đầu tư mở rộng. Phạm vi giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô hoàn chỉnh.
Đó là yêu cầu của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình.
Theo Thường trực Chính phủ, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) không chỉ phục vụ phát triển cho tỉnh Bình Phước và Đắk Nông, mà còn có vai trò quan trọng cho phát triển cả vùng Tây Nguyên kết nối khu vực Đông Nam Bộ.
Tương tự, tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình cùng với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông khi hoàn thành sẽ kết nối Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đến Hải Phòng, tạo động lực phát triển cho cả vùng Đông Bắc bộ.
"Việc sớm triển khai đầu tư 2 tuyến đường nêu trên theo phương thức đối tác công tư là rất cần thiết", theo kết luận của Thường trực Chính phủ.
Với Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, Thủ tướng đã giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án và chỉ đạo phương án đầu tư.
Thủ tướng lưu ý địa phương rà soát lại tổng thể phương án đầu tư bảo đảm tính đúng, tính đủ sát thực tế, khả thi, phù hợp với quy định; trong đó lưu ý dự toán công trình (suất vốn đầu tư).
Đối với đề nghị của UBND tỉnh Ninh Bình về việc tách đoạn qua địa phận tỉnh Ninh Bình và địa phương này là cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư công; đề nghị của tỉnh Thái Bình về phương án nghiên cứu đầu tư đoạn trên địa bàn tỉnh Nam Định - Thái Bình theo phương thức đối tác công tư, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan tính toán lại phương án bảo đảm hiệu quả, khả thi.
Phương án này phải được báo cáo Thủ tướng trong tháng 4.
Tỉnh Thái Bình được giao làm việc với Bộ GTVT và các nhà tư vấn tăng tỷ lệ thu xếp vốn của nhà đầu tư tham gia dự án, đảm bảo phần vốn góp của Nhà nước không vượt quá 50% tổng mức đầu tư (phân kỳ từ nay đến năm 2025).
Về Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), lãnh đạo Chính phủ giao tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án; hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo hướng Nhà nước đầu tư góp vốn dưới 10.000 tỷ đồng.
Tỉnh này cũng được giao nghiên cứu đầu tư giai đoạn l với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh để bảo đảm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Lưu ý trong quá trình triển khai dự án, Thường trực Chính phủ yêu cầu các đơn vị tư vấn phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu dự án bám sát thực tiễn, dứt khoát không để tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; bảo đảm cân bằng lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.
"Quy mô đường cao tốc phải có quy mô tối thiểu 4 làn xe hoàn chỉnh theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, tránh lãng phí, khó khăn khi đầu tư mở rộng. Phạm vi giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô hoàn chỉnh", theo yêu cầu của Thường trực Chính phủ.
Thường trực Chính phủ quán triệt cần đa dạng nguồn vốn đầu tư, kết hợp nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn của nhà đầu tư, vốn vay nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà sẽ làm Tổ trưởng Tổ công tác chỉ đạo triển khai 2 dự án nêu trên với thành phần Tổ công tác gồm lãnh đạo các bộ, ngành: GTVT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn phòng Chính phủ.
Phấn đấu hoàn thành 3.000 km đường cao tốc vào 2025
Văn kiện đại hội Đảng XIII nêu rõ mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000km đường bộ cao tốc. Chính phủ đang quyết tâm chỉ đạo để hoàn thành mục tiêu này, trong đó đến năm 2025 sẽ phấn đấu hoàn thành khoảng 3.000km đường bộ cao tốc.
Đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 06 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của 6 Vùng chiến lược, trong đó xác định cụ thể nhiệm vụ đầu tư phát triển các tuyến đường cao tốc liên kết vùng theo quy hoạch.