Thưởng thức tết Mông ở Hà Nội
(Dân trí) - “Tết Mông xuống phố” tái hiện một phần các phong tục và lễ hội của dân tộc Mông, mang lại cái nhìn phong phú về văn hóa đặc thù của một cộng đồng dân tộc sinh sống nơi vùng núi cao hẻo lánh của Việt Nam.
Tết của cộng đồng người Mông thường không có ngày cố định hàng năm. Họ thường ăn Tết trước Tết Nguyên đán khoảng một tháng, kéo dài 2 - 3 tuần khi mùa màng đã xong. Đây là thời gian rảnh rỗi nhất trong năm của người Mông.
Các cô gái Mông xinh tươi đang sống tại Thủ đô trong "Tết Mông xuống phố". Thời điểm này cũng là lúc đồng bào người Mông mọi miền Tổ quốc bắt đầu ăn Tết. Đây cũng là lí do các sinh viên Mông tại Hà Nội dưới sự bảo trợ của Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường ISEE cùng tổ chức Plan phối hợp thực hiện chương trình.
"Tết Mông xuống phố" giới thiệu nhiều trò chơi truyền thống của người Mông. Trong ảnh là trò đẩy gậy, là trò chơi đòi hỏi phải có sức khỏe và sự khôn khéo để đẩy lùi đối phương, ai tiến lên nhiều hơn người đó chiến thắng.
Trò đẩy gậy là dịp để các chàng trai khoe sức mạnh của mình nhằm thu hút các cô gái mông trong lễ hội, vì thế nên rất quyết liệt và hấp dẫn nam giới.
Một cô gái Mông quê Thanh Hóa đang là sinh viên tại Hà Nội.
Đôi bạn trẻ người Mông gặp gỡ giao lưu tại "Tết Mông xuống phố". Dân tộc Mông là một trong số các dân tộc ít người tại Việt Nam có ngôn ngữ riêng, chữ viết riêng và rất nhiều lễ hội cùng phong tục tập quán đặc biệt.
Một chàng trai đang thể hiện khả năng thổi khèn trước cô gái Mông. Khèn là một nhạc cụ truyền thống không thể thiếu trong đời sống người Mông và khèn còn tượng trưng cho văn hóa dân tộc Mông.
Nhân có sự giao lưu gặp gỡ của cộng đồng người Mông tại Hà Nội, "Tết Mông xuống phố" đã tổ chức một cuộc thi sắc đẹp nhỏ dành riêng cho các cô gái Mông mang tên Miss H'mong. Trong ảnh là cô gái giành chiến thắng chung cuộc tên Cư Mỷ người Mông Đỏ ở xã Cao Sơn, huyện Mường Khương - Lào Cai.
Hữu Nghị