Tết Nào Pê Chầu của dân tộc H'Mông được công nhận Di sản

(Dân trí) - Ngày 16/12 vừa qua, tại bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên đã diễn ra lễ công bố và trao Chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tết Nào Pê Chầu của dân tộc H'Mông.

Tết Nào Pê Chầu của dân tộc H'Mông được Bộ VH,TT&DL công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định ngày 08/6/2015.

Tết Nào Pê Chầu thường được tổ chức vào tháng 12 hàng năm khi đồng bào đã thu hoạch xong mùa màng. Đây là một lễ hội đặc trưng, tiêu biểu nhất về văn hóa truyền thống của dân tộc Mông (ngành Mông đen). Tết này chính là khoảng thời gian nghỉ ngơi, đoàn tụ gia đình, thôn, bản để cùng nhau ôn lại và trao đổi kinh nghiệm sau một năm lao động sản xuất nhằm tô đậm tình đoàn kết trong cộng đồng.

Đại diện lãnh đạo xã Mường Đăng, huyện Mường Anh nhận bằng chứng nhận. Ảnh: PN.
Đại diện lãnh đạo xã Mường Đăng, huyện Mường Anh nhận bằng chứng nhận. Ảnh: PN.

Đây đồng thời là dịp để các gia đình thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho mùa màng bội thu, con cháu có sức khỏe, cuộc sống bình yên qua đó cầu mong năm mới cuộc sống tốt đẹp hơn…Điều này được thể hiện trong mâm cúng đêm 30, sáng mùng một và mâm cúng bánh dày trong ngày mùng 3 tết.

Tết đến mọi người cùng vui, cùng uống rượu và chúc nhau những lời đầy ý nghĩa, đặc biệt trai gái có dịp để vui xuân, thổi sáo, ném Pa Pao để tìm kiếm bạn đời.

Giã bánh dày trong Tết Nào Pê Chầu của người Mông đen ở Điện Biên.
Giã bánh dày trong Tết Nào Pê Chầu của người Mông đen ở Điện Biên.

Người Mông quan niệm rằng vào ngày tết mọi thứ phải mới, từ ngoại vật đến lòng người, vì vậy vào những ngày gần tết ngoài việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm, đồ cúng cho những ngày tết, người Mông còn chuẩn bị cho mình những bộ trang phục thật mới, họ kiêng không được nóng giận, cãi cọ nhau.

Tại buổi lễ, lãnh đạo UNBD tỉnh Điện Biên cho biết, trước sự hội nhập và giao thoa các nền văn hóa, hiện nay ở một số nơi Tết Nào Pê chầu đang đứng trước nguy cơ mai một, số người có khả năng thực hành đúng các nghi lễ truyền thống không còn nhiều. Chính vì vậy trong thời gian tới, các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân cần chung tay góp sức để giữ gìn, phát huy giá trị của di sản văn hóa truyền thống này.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm