Thưởng tết 2009: Vấn đề “nhạy cảm”!
(Dân trí) - Không như những năm trước, câu chuyện về thưởng tết năm 2009 đã trở thành chủ đề “nhạy cảm” đối với các doanh nghiệp. Ngay cả những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả trong năm vừa qua cũng rất ngại chia sẻ với báo chí.
Bằng là giảm
Dù đã hẹn đến 5-7 lần song tôi đành chịu thất bại khi thực hiện cuộc phỏng vấn chuyện thưởng tết với một doanh nghiệp nổi tiếng rất thành đạt trong năm vừa qua. Anh từ chối cuộc hẹn gặp với báo chí với lý do việc công bố tiền thưởng của công ty rất nhạy cảm trong bối cảnh hiện nay!
Vị giám đốc trẻ tài năng ấy chỉ có thể chia sẻ với tôi qua điện thoại những lời tâm sự rằng: Năm 2008 doanh số của công ty anh vượt kế hoạch so với dự kiến tới 60%. Đời sống, thu nhập của công nhân được cải thiện đáng kể. Anh đang tính toán tiền thưởng tết cho anh em trong công ty, chắc sẽ phải cao hơn năm ngoái, đặc biệt đối với những người có thành tích xuất sắc. Theo anh, với mức lạm phát tăng cao như trong năm qua lên tới hàng chục phần trăm thì nếu thưởng tết với số tiền bằng năm ngoái thực chất cũng đã giảm rồi.
Lãnh đạo công ty TNHH Phát triển giải pháp công nghệ thông tin (Daisy) thì cởi mở hơn. Anh Quốc Thành, giám đốc công ty cho biết: “Năm nay, công ty của anh làm cũng bình thường, mặc dù doanh thu có tăng hơn so với năm ngoái nhưng lợi nhuận thấp. Về tiền thưởng tết, anh thấy do mức chi phí cuộc sống hiện nay cao hơn so với năm ngoái nên chắc chắn tiền thưởng cho nhân viên cuối năm chỉ có tăng thêm chút ít, chứ không giảm được.”
Thưởng tết gắn liền với hiệu quả kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì sẽ ảnh hưởng tới tiền thưởng cuối năm cho người lao động, thậm chí còn không có tiền thưởng tết. Tuy nhiên, muốn giữ chân người lao động, không ít doanh nghiệp đã và đang cố gắng xoay sở để đảm bảo cho người lao động có một cái Tết đầy đủ, ấm cúng cho gia đình như mọi năm.
Điển hình như công ty Hanoimilk, một doanh nghiệp đã bị thua lỗ nặng nề với hàng chục tỷ đồng trong năm vừa qua, do “án oan” Melamine. Lãnh đạo công ty này cho biết, sẽ cố gắng đảm bảo tiền thưởng cho người lao động là bằng năm ngoái.
Lao động nghèo: Khổ nhất!
Chưa đầy 1 tháng nữa sẽ đến Tết Kỷ Sửu nhưng các Sở LĐTB&XH vẫn chưa có báo cáo chính thức về lương, thưởng Tết dương và Tết âm lịch. Bộ LĐ cũng đã yêu cầu các Sở phải gửi báo cáo về trước ngày 31/12 năm nay.
Ông Đặng Quang Điều, Phó Trưởng ban Chính sách Kinh tế - Xã hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, hiện nay mới chỉ có hơn 150 doanh nghiệp của TPHCMvà hơn 100 doanh nghiệp của Bình Dương thông báo thưởng Tết cho lao động.
Ở TPHCM, cá nhân có mức thưởng cao nhất tính đến hiện nay thuộc về một đơn vị tư vấn luật nước ngoài với 98,5 triệu đồng. DN ở Bình Dương có mức thưởng thấp nhất là 450 nghìn đồng/người và cao nhất là 40 triệu đồng/người.
Mặc dù chưa có kết quả báo cáo tổng hợp, nhưng theo nhận định chung về tình hình lương, thưởng Tết tại các doanh nghiệp, các chuyên gia lao động việc làm dự báo tình hình lương, thưởng Tết tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội có xu hướng giảm.
Theo ông Điều, qua làm việc với các Sở LĐTB&XH, công đoàn các tỉnh thì có thể nhận thấy khối doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc lên kế hoạch thưởng tết hơn là doanh nghiệp lớn. Khối doanh nghiệp nhà nước dù có gặp nhiều khó khăn nhưng cũng cố gắng duy trì tiền thưởng tết bằng 80 - 90% so với năm ngoái.
Việc thưởng Tết giảm cũng dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra các cuộc ngừng việc tập thể của người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất - Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, Chủ tịch liên đoàn lao động Hà Nội nhận định.
Ông Phạm Minh Huân - Vụ trưởng vụ Chính sách tiền lương - tiền công, Bộ LĐTB-XH cho biết, trước tình hình trên, Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc việc trả lương, thưởng đầy đủ cho người lao động, tránh xảy ra tranh chấp lao động và đình công, nhất là vào thời điểm trước và sau tết âm lịch.
Rõ ràng, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước bị tác động mạnh từ suy thoái kinh tế toàn cầu thì mức thưởng năm nay sẽ khó hơn mọi năm. Hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu đều bị ảnh hưởng, vì vậy doanh nghiệp cầm cự để duy trì sản xuất đã là một sự cố gắng. Tuy nhiên, với một mức chi phí sinh hoạt quá cao và tăng đột biến trong thời gian qua, sau khi xảy ra lạm phát và chưa có dấu hiệu giảm thì hơn ai hết, những người công nhân, lao động nghèo sẽ phải gánh chịu thiệt thòi này.
Những tác động xấu từ suy thoái kinh tế là điều không ai muốn, nhưng để giải quyết vấn đề lương, thưởng tết trong bối cảnh này, theo ý kiến của một số chuyên gia, người lao động và người sử dụng lao động cần thương lượng với nhau để đảm bảo lợi ích hài hòa cho cả hai bên.
Lan Hương