1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Thương quá… vợ thằng Thanh”

Câu chuyện cảm động về nghị lực của người phụ nữ bất hạnh vượt khó, tự học nghề sửa xe nuôi chồng bệnh tật và hai con. Mơ ước nhỏ nhoi của chị là một khoản tiền vốn để thoát cảnh vay nóng trả góp mỗi ngày.

Anh Lê Phương, ở gần chợ xã Tân Thành, TP Cà Mau, kể: “Thương quá…. vợ thằng Thanh. Hôm bữa nó vá ruột xe cho tao, lỡ tay bị cây sắt đâm vào chân tứa máu. Nó lấy tay chùi máu rồi làm tiếp, như không có gì xảy ra vậy”. Ông Bảy Trưởng ấp, ông Ba Thọ bán cà phê, bà Mười bán bánh mì… cũng khen “vợ thằng Thanh”. Người thì bảo đó là tấm gương nghị lực vượt khó, người lại nói đó là một hoàn cảnh đáng được giúp đỡ…”.

 

Người nghèo bị bệnh ngặt nghèo

 

Sáu năm trước, gia đình anh Phạm Hoài Thanh (nay 38 tuổi), chị Lê Thị Lài về kiếm sống chợ Tân Thành, dẫn theo hai đứa con gái, đứa mới lớp 1, đứa mẫu giáo đến thuê đất ở một góc chợ cất nhà lá vừa để ở vừa làm tiệm vá và sửa xe máy, xe đạp.

 

Tân Thành là một chợ xã, ngoại ô, thuộc vùng dân cư toàn làm nông nghiệp, nghề sửa xe không kiếm được nhiều tiền. Tuy nhiên, hai vợ chồng đều chí thú làm ăn nên cuộc sống cũng tạm ổn. Đến đầu năm 2012, đùng một cái hai vợ chồng cùng đổ bệnh: anh Thanh bị viêm khớp, phải chống gậy, chị Lài bệnh u nang cấp tính, phải phẫu thuật, tốn mười mấy triệu đồng.

 

Sau nửa tháng nằm viện, chị Lài về nhà thì anh Thanh không thể đi lại được nữa. Chị vơ vét những gì có thể bán được gom tiền đưa anh đi trị bệnh. Bác sĩ cho biết anh bị viêm khớp đến giai đoạn hoại tử cả hai chân. Chân phải bị viêm ở khớp gối, chân trái bị ở khớp mắt cá. Nghe chi phí phẫu thuật lên đến cả trăm triệu đồng, số tiền quá lớn so với khả năng, anh Thanh quyết định chuyển sang uống thuốc Nam, ai chỉ gì uống nấy, may thầy phước chủ. Càng trị chân anh càng teo tóp. Đến khoảng tháng 5-2012, anh Thanh phải bò lê ra mỗi lần có khách đưa xe đến sửa.

 

Công việc suốt ngày của chị Lài. Ảnh: Trần Vũ

Công việc suốt ngày của chị Lài. Ảnh: Trần Vũ

 

Anh Thanh bại liệt đồng nghĩa với nguồn tiền của gia đình bị triệt tiêu. Trong lúc họ phải nuôi hai con gái ăn học, tiền thuê đất 500.000 đồng/tháng, tiền điện, tiền nước, nợ nần trị bệnh trước đây đang bủa vây. Xóm giềng thương xót, ái ngại không biết chị Lài sẽ ứng xử sao để vượt qua thử thách của số phận. Bởi chị không nghề nghiệp, không vốn liếng, chữ nghĩa nhấp nhem. Nhưng chị Lài đã đứng lên, đứng lên mạnh mẽ.

 

Phụ nữ tay ngang làm thợ

 

Từ khoảng giữa năm 2012, tiệm sửa xe Hoài Thanh thay thợ. Chị Lài đã thế chỗ anh Thanh. Mỗi ngày chị quần quật bên chìa khóa, mỏ lết, tay chân đầy nhớt, bụi. Những tháng đầu, tay chân chị thường xuyên bị chảy máu vì chưa quen việc, bị điện giật mấy lần, tưởng chết. Một ông khách sau khi thấy cảnh chị bị điện giật, mủi lòng chạy đi mua tặng chị một cầu dao chống giật.

 

Chứng kiến nghị lực của chị, nhiều người đã không kiềm chế được xúc động. Chòm xóm đã giúp đỡ chị trong khả năng có thể. Khi thì bà Hai Thương cụt tay ở ấp 4 xách ra bị gạo, lúc thì bà Hai Thao bán tạp hóa trong nhà lồng dúi cho chị 200.000-300.000 đồng. Rồi cô Tư Dừa, ông Hùng phế liệu…

 

Tất nhiên, người quý trọng nghị lực của chị Lài hơn cả là chồng chị, anh Thanh. Anh xúc động kể: “Xưa nay tôi không biết khóc. Nhưng khi thấy vợ tôi liều mạng vì chồng con, tôi khóc mấy lần rồi”.           

 

Thời điểm chị Lài tự học việc để thế vai chồng, có ông khách đến bảo chị thay cho bộ căm xe máy, chị nhận lời, dù đây là chuyện khó, trước giờ chỉ thấy chồng làm. Khi nghe tiếng máy cắt kêu rồ rồ, anh Thanh hoảng hồn bò từ trong giường ra xem. Thấy vợ cầm máy cắt những cây căm xe cũ, anh tái mặt nạt vợ, không cho làm. Chị Lài mặc kệ chồng la, vẫn làm. Anh Thanh đành bất lực ngồi khóc. “Cái máy cắt này cũ rồi, rất nguy hiểm, không biết dễ bị thương lắm. Hồi trước nó làm tôi bị thương mất nửa tinh hoàn” - anh Thanh nói. Một lần khác, anh Thanh đã thấy vợ ngủ gục bên cái bánh xe đạp còn đang dở dang, anh cúi mặt vào gối sụt sùi.

 

Bao giờ thoát cảnh vay nóng

 

Đến nay, sau hơn sáu tháng mày mò, chị Lài đã thạo việc. Hơn thế nữa, chị mở thêm một việc làm mới là lắp ráp xe đạp để bán cho người dân có nhu cầu. Việc làm của chị đầy kín 20/24 giờ/ngày. 5 giờ sáng, chị lội xuống sông Tân Thành giở lú bắt cá tôm làm thức ăn. Xong chị bắt đầu công việc chính là sửa xe, lắp ráp xe đạp kết hợp với chăm sóc chồng con. Đến 5 giờ chiều chị lại xuống sông Tân Thành đặt lú. Tối đến, chị lại lắp ráp xe đạp đến 12 giờ đêm mới vào giường chợp mắt.       

 

Tuy nhiên, do phải hốt hụi non, vay nóng trả góp tiền ngày để làm vốn nên công sức của chị Lài bỏ ra nhiều nhưng thu lợi không được bao nhiêu. Bữa ăn của cả nhà vẫn phải lây lất sống nhờ hai cái lú bát quái đặt dưới sông Tân Thành. Hai con gái đi học mỗi đứa được 2.000 đồng/ngày. Thỉnh thoảng chị phải bán đi món đồ gì đó trong số đồ ít ỏi còn lại để trả cho số tiền lãi hụi non và tiền vay nóng. Trước tết Dương lịch 2013 vài ngày, chị đã bán đi món đồ có giá trị cuối cùng là cái tủ bán bánh mì trước đây. “Hồi trước mua một triệu hai, nay kẹt bán có 200.000 đồng” - chị Lài xót xa kể. Mơ ước của chị là có được một số tiền 10 triệu đồng để làm vốn, thoát được nạn tiền lãi do hụi hẹ, vay nóng. “Chỉ cần có số tiền đó, tôi sẽ lắp ráp nhiều xe đạp để bán cho bà con ở đây. Đó cũng là cơ hội để kiếm tiền cho anh Thanh trị bệnh đôi chân” - chị Lài mơ ước.

 

Chính quyền đã vận động bà con giúp đỡ hết lòng

 

“Vợ chồng Thanh về đây tạm trú mấy năm qua. Chúng nó nghèo nhưng chí thú làm ăn, xóm làng ai cũng thương. Khi Thanh bị liệt, gia cảnh thật khó khăn, ai thấy cũng xót xa. Chúng tôi đã vận động nhân dân của ít lòng nhiều, cho tiền, cho gạo, cho tập vở để con nó tiếp tục học hành. Lài là một phụ nữ nghị lực, cả xóm ai cũng khen và động viên. Hiện vợ chồng họ đang rất cần một số tiền để làm vốn và đi trị bệnh đôi chân, chúng tôi đâu có đủ sức giúp” - Ông Ngô Văn Sướng,Trưởng ấp 3, xã Tân Thành, TP Cà Mau.

 

Theo Trần Vũ
 
Pháp luật TPHCM