“Thương mại hóa Ấn đền Trần phá hỏng nhiều nét đẹp văn hóa”
(Dân trí) - PGS.TS Văn hóa dân gian Trần Đức Ngôn - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội - cho rằng, lộc Ấn đền Trần là một nét đẹp văn hóa trong đời sống người Việt; nhưng vấn nạn buôn bán Ấn đã gây ra những hệ lụy phức tạp…
Mỗi năm có hàng vạn người dân và du khách từ khắp nơi đổ về đền Trần (Nam Định) dự lễ khai Ấn và xin Ấn với mong muốn cầu danh, cầu tài lộc. Ông có thể cho biết đôi điều về nguồn gốc và ý nghĩa lễ khai Ấn đền Trần?
Trước hết phải khẳng định lễ khai Ấn đền Trần là một nét đẹp văn hóa tâm linh có từ hàng trăm năm nay góp phần làm phong phú đời sống tinh thần người Việt. Đương nhiên, lễ khai Ấn đền Trần là một nghi lễ xuất hiện từ thời nhà Trần với ý nghĩa khẳng định vị thế của vương triều nhà Trần, khẳng định sức mạnh đoàn kết của cả triều đại với nhân dân và ca ngợi những chiến thắng vang dội của dân tộc ta như ba lần đánh thắng quân Mông Nguyên, củng cố non song bờ cõi, giữ vững nền thái bình thịnh trị cho con cháu mai sau.
PGS.TS Văn hóa dân gian Trần Đức Ngôn: "Thương mại hóa Ấn đền Trần sẽ gây nên nhiều bất ổn..."
Trải qua thời gian, ý nghĩa lễ khai Ấn ngày càng mở rộng và trở thành một tín ngưỡng của cả dân tộc mang theo sự thịnh vượng. Ý nghĩa linh thiêng nhất của lễ khai Ấn là ở thời khắc đóng Ấn cầu cho quốc thái dân an. Và trong thời khắc thiêng liêng ấy, người ta cũng chỉ đóng một số lượng Ấn có hạn, thậm chí chỉ đóng một lần để khai mở ra những may mắn bắt đầu cho một năm mới.
Trong một vài năm gần đây, vấn đề nhức nhối khiến người dân và du khách hết sức bất bình là nạn “phe dấu” và buôn bán Ấn giả, Ấn nhái. Ông suy nghĩ thế nào về vấn đề này?
Tôi biết nhiều năm nay, việc xin Ấn đền Trần đêm 14, rạng sáng Rằm tháng Giêng đã thành một “phong trào” thu hút hàng vạn người từ khắp mọi miền đổ về. Cũng chính vì vậy mà nhiều tệ nạn xã hội cũng đã xảy ra như trộm cắp, móc túi, chen lấn hỗn loạn… Và đặc biệt là nạn “phe Ấn” làm Ấn giả để bán. Đó là một sự thương mại hóa rõ ràng, gây nên nhiều bất ổn trong đời sống xã hội.
Do trước đây chỉ có một số lượng rất hạn chế Ấn được đóng để bố cáo trời đất, cầu quốc thái dân an nên ý nghĩa rất linh thiêng. Việc đóng Ấn hàng loạt như bây giờ, hàng ngàn, hàng vạn Ấn cũng làm mất đi phần nào ý nghĩa linh thiêng của thời khắc khai Ấn. Chưa nói đến việc đóng giả Ấn để buôn bán thì Ấn đó chẳng còn có ý nghĩa gì nữa mà còn làm xấu đi một nét đẹp văn hóa tâm linh rất độc đáo của dân tộc ta.
Trước đây, người ta đến đền Trần để dự lễ khai Ấn là chính. Việc đến để xin triện ấn rất ít. Ý nghĩa của việc khai Ấn đó là để mở đầu cho một năm mới với mong muốn may mắn, an khang thịnh vượng, cầu xin trời đất mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng bội thu. Chứ không phải ý nghĩa chính nằm ở chỗ cầu cho mỗi một cá nhân có thể thăng chức, nhiều tiền, nhiều lộc. Đó chính là những điều mà người ta hiểu sai về ý nghĩa của lễ khai Ấn đền Trần.
Theo ông, Ấn đền Trần bị làm giả, bị buôn bán như vậy liệu còn sự linh thiêng không và gây ra những hệ lụy như thế nào đến xã hội?
Tất cả những vấn nạn đó đều xuất phát từ những nhận thức sai lầm trong suy nghĩ thực dụng của một bộ phận lớn du khách tham dự lễ khai Ấn rằng nếu như có Ấn trong tay, họ sẽ có được rất nhiều sự phù trợ, may mắn. Hệ lụy trước hết là gây ra sự tốn kém cho xã hội, dẫn người ta đến một sự mê tín với một niềm tin thái quá gây mất thăng bằng trong đời sống. Ví dụ như khi có được Ấn lại tin rằng năm nay mình nhất định sẽ phát tài phát lộc thì sẽ tìm mọi cách để đạt được mục đích của mình như kiếm tiền, thăng chức tước, vừa làm sai lệch ý nghĩa văn hóa lễ khai Ấn lại vừa ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội.
Ấn đền Trần "lộ" trước giờ khai Ấn (Ảnh chụp lúc 15h ngày 16/2 tại UBND TP Nam Định)
Ông có kiến giải gì tới các cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm để ngăn chặn những điều đó hay không?
Việc tuyên truyền sâu rộng để người dân và du khách có một sự nhận thức đúng đắn về ý nghĩa và sự linh thiêng của lễ khai Ấn đền Trần là điều quan trọng nhất. Bên cạnh đó, những biện pháp cần thực hiện ngay là tìm cách ngăn chặn ngay việc “phe Ấn”, in sao Ấn giả. Có thể, việc in nhiều bản từ Ấn thật theo nguyện vọng của người dân và du khách là có thể chấp nhận được. Nhưng việc in Ấn giả cần phải ngăn chặn, chấm dứt ngay để đảm bảo cho những nét đẹp của một nghi lễ văn hóa đặc sắc của dân tộc ta.
Anh Thế - Quốc Đô