Thương binh cụt hai chân vẫn thoăn thoắt trèo dừa, bơi sông
(Dân trí) - Ông Trần Thanh Tùng (53 tuổi), ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ là thương binh 1/4, mất sức lao động 95%, nhưng với bản lĩnh, ý chí của người lính Cụ Hồ, hàng ngày ông vẫn lao động miệt mài, là trụ cột của gia đình.
Lúc phóng viên có mặt, ông Tùng đang dùng hai tay di chuyển hai chiếc ghế gỗ thay nạng chống ra vườn cho gà ăn. Khi thấy người lạ, ông cười hiền rồi nói: “Chân tay tôi như thế này cô đừng cười nhé!”. Nói xong, ông Tùng dùng đôi tay di chuyển cặp ghế gỗ vào một cách nhanh chóng.
Ông kể, năm 1984, lúc đó vừa tròn 18 tuổi, ông tình nguyện nhập ngũ. Ông được phiên chế ở Trung đoàn Công binh 550 (Binh đoàn Cửu Long), làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Khoảng tháng 3/1986, lúc đang đi lấy nước cho đơn vị tại địa bàn giáp Thái Lan không may ông đạp phải quả mìn địch cài sẵn, một tiếng nổ vang lên cướp mất đôi chân của ông. Lúc ấy, ông đang mang hàm thượng sĩ.
Sau khi bị thương, ông được đưa về điều trị tại một bệnh viện của TP HCM hơn hai tháng. Sau đó, ông được chuyển về Bệnh viện Quân y 121 Quân khu 9, rồi đến Trại điều dưỡng thương binh Quân khu 9 ở tỉnh Sóc Trăng.
Trở về nhà với cơ thể không còn lành lặn, đôi chân bỏ lại ở chiến trường, hành trang mang theo ông lúc đó là cái ba lô con cóc cũ kỹ, bộ quân phục bạc màu, sờn vai. Chàng trai Trần Thanh Tùng lúc đó đầy tự ti và bi quan. Nhưng với quyết tâm dù không còn đôi chân thì vẫn còn đôi tay khỏe, đôi mắt sáng nên ông quyết cố gắng vượt qua nghịch cảnh, vượt lên chính mình.
Hai chiếc ghế gỗ thay cho đôi chân của ông.
Những ngày đầu về quê, chàng thương binh Trần Thanh Tùng mày mò đóng 2 chiếc ghế nhỏ, dùng 2 tay cầm ghế để di chuyển thay cho dùng nạng. Dần dần, việc di chuyển bằng ghế cũng quen. Cũng bắt đầu từ đây, người thương binh trẻ tập quen dần với cuộc sống không có đôi chân.
Trong một lần theo mẹ ra chợ, chàng thương binh ấy đã gặp cô gái làng bên tên Nguyễn Thị Đức đang bán rau. Cô gái khi ấy mới 17 tuổi, vừa dễ thương lại hòa đồng. Trong lần gặp đầu tiên, hai người nói chuyện rất hợp nhau. Từ đó, lâu lâu chàng trai Thanh Tùng lại đi chợ cùng mẹ với hy vọng được gặp cô gái dễ thương kia.
Thời gian cứ thế trôi đi, tình cảm của 2 người lớn dần, năm 1987 đám cưới được diễn ra. “May mắn là gia đình bên vợ không chê bai gì tui.”- Ông Tùng kể.
Bà Nguyễn Thị Đức, vợ ông Tùng
Sau khi cưới vợ, cặp vợ chồng trẻ được gia đình cho 500 mét vuông đất làm vườn và sau đó được Nhà nước tặng nhà tình nghĩa. Những năm đầu mới cưới, tiền trợ cấp thương binh và tiền làm mướn của vợ, cuộc sống gia đình anh tạm ổn định. Nhưng khi 2 đứa con lần lượt ra đời, gánh nặng ăn học của bọn trẻ nên cuộc sống dần khó khăn.
Ông Tùng nhờ vợ tập bơi cho mình để lên xuồng đi sông bắt cá. Ý tưởng đó ban đầu bị nhiều người chê cười, vì họ cho rằng người bình thường tập bơi còn khó nói gì đến người mất cả hai chân. Nhưng nhờ sự tận tụy của vợ cùng nỗ lực phi thường của bản thân, sau 3 năm ông Tùng đã bơi rất giỏi. Hàng ngày, ông bơi xuồng dọc mé sông gần nhà đặt lờ, thả lưới bắt cá.
Ông Tùng thả lưới bắt cá trên sông
Có một điều đặc biệt hơn, dù bị chiến tranh cướp mất đôi chân nhưng thương binh Trần Thanh Tùng trèo dừa lại nhanh thoăn thoắt nên hết ngồi xe lăn bán vé số dạo, rồi cải tạo vườn trồng rau quả, xây dựng chuồng trại nuôi heo, gà, vịt, bồ câu thì hái dừa thuê.
Kể về chuyện biết trèo dừa ông Tùng cho biết: Có một lần, trong lúc làm vườn vợ ông khát nước, nhìn cây dừa có rất nhiều quả, vợ buột miệng nói: Giá như hái được dừa uống nhỉ!
“Sau khi nghe vợ nói, trong đầu tôi nảy sinh ý định tập trèo dừa. Khoảng 3 tháng sau, tôi tự tay hái được dừa cho vợ uống. Vợ tôi mừng rớt nước mắt. Vợ tôi nói, bà vui không phải vì chồng sắp có một nghề mới mà vì chồng đã chiến thắng được số phận, vượt lên chính mình.”- Ông Tùng hạnh phúc kể.
Mặc dù bị cụt mất hai chân nhưng ông Tùng trèo dừa rất siêu
Nhờ cần cù lao động và chịu khó, gần 20 năm qua, gia đình ông có cuộc sống ổn định. Hiện nay, con trai lớn đã trưởng thành, lập gia đình, làm tài xế cho doanh nghiệp ở Khu Công nghiệp Trà Nóc; con gái nhỏ chuẩn bị tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ.
Lãnh đạo phường Phước Thới, quận Ô Môn cho biết, ông Tùng là một thương binh giàu nghị lực, luôn biết khắc phục khó khăn, tự lực vươn lên trong cuộc sống. Đó là tấm gương sáng để thế hệ sau noi theo.
Phạm Tâm