1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thuốc diệt cỏ cực độc bán tràn lan

Dù ở Châu Âu và các nước phát triển đã cấm thuốc diệt cỏ Paraquat, nhưng ở nước ta, Paraquat vẫn được bày bán công khai và rất dễ mua. Hàng loạt vụ tự tử, ngộ độc Paraquat do uống nhầm đưa đến cấp cứu gần đây tại các BV thường có tỉ lệ tử vong hơn 90%...

Ngộ độc Paraquat: Không tử vong cũng tàn phế!

 

Vụ việc xảy ra mới đây tại BV Nhi Đồng 2, TPHCM, khi khoa Cấp cứu tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi tên T, 15 tuổi, cư ngụ tại Đồng Nai, sau 8 giờ uống 50ml thuốc diệt cỏ. T được bác sĩ chẩn đoán ngộ độc thuốc Paraquat. Trong thời gian nằm điều trị tại khoa Cấp cứu - Hồi sức -Thận nội tiết, diễn tiến bệnh T nặng dần với suy hô hấp, suy thận, suy gan. Các BS đã tiến hành cấp cứu lọc máu 2 đợt bằng phương pháp lọc với cột than hoạt, sử dụng phác đồ thuốc ức chế miễn dịch mạnh để ngăn ngừa xơ phổi tiến triển.
 
Nhiều ca ngộ độc được đưa vào cấp cứu tại BV Chợ Rẫy, TPHCM

Nhiều ca ngộ độc được đưa vào cấp cứu tại BV Chợ Rẫy, TPHCM

 

Sau hơn 1,5 tháng điều trị, sức khoẻ T đã dần ổn định. Tuy nhiên, theo các BS, di chứng bệnh phổi tắc nghẽn ở bệnh nhân này về lâu dài khó tránh khỏi. Điều may mắn, đây là trường hợp hy hữu vì lâu nay, khi bị ngộ độc bằng thuốc diệt cỏ Paraquat thì trên 98% trường hợp đều tử vong.

 

Trước đó, khoa Cấp cứu của BV Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận 3 trường hợp ngộ độc Paraquat là 3 chị em ruột tên Ng.T.N.D (9 tuổi, nữ), Ng.T.N.H (5 tuổi, nữ) và Ng.H.T (3 tuổi, nam) được chuyển từ BV tuyến trước lên. Khai thác bệnh sử, ghi nhận, vì giận chồng nên mẹ cho các cháu cùng uống thuốc diệt cỏ Paraquat tự tử và nói: “Uống ngừa say xe để đi thành phố chơi!”.

 

Sau khi uống, D phát hiện ra lọ thuốc diệt cỏ nên trốn ra ngoài và báo với hàng xóm. Ngay lập tức, cả 4 mẹ con được đưa đến BV tỉnh sơ cứu, rửa dạ dày, rồi chuyển 3 chị em đến BV Nhi Đồng 1. Các BS đã tiến hành xử lý và truyền dịch để tăng giải độc chất qua thận. Riêng D được tiến hành thay huyết tương khẩn cấp. Mặc dù cả 3 đều xuất viện về nhà, nhưng vẫn được hẹn tái khám theo dõi thường xuyên nhằm phát hiện các biến chứng muộn, đặc biệt là biến chứng xơ phổi.

 

Không chỉ trẻ em mới là nạn nhân của Paraquat, mới đây nhất, nam công nhân ngành cao su tại Đồng Nai uống liên tiếp hai nắp thuốc diệt cỏ Paraquat. Được chuyển đi cấp cứu nhưng chưa kịp làm thủ tục nhập viện, nạn nhân đã tử vong.

 

Hoặc trường hợp gây phẫn uất trong dư luận gần đây, vì bị một bạn nam cùng lớp ghép chân dung mình vào ảnh mặc áo cổ rộng rồi đưa lên Facebook làm trò đùa, em N.T.T.L (18 tuổi, ở Hà Nội) đã uống thuốc diệt cỏ tự tử và tử vong trước ngày thi đại học.

 

Tại các BV như Chợ Rẫy, 115, Trưng Vương, Nhi Đồng 1, 2, hầu như tháng nào các BV này cũng tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu do ngộ độc thuốc diệt cỏ ở các vùng ngoại thành TPHCM và các tỉnh lân cận.

 

Cảnh báo ngộ độc Paraquat đang tăng lên

 

Thống kê sơ bộ từ tháng 9.2004 đến đầu năm 2013 của khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy thì đã có 1.552 ca nhập viện do ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat. Theo TS.BS Trần Quang Bính -Trưởng khoa, hầu hết người uống độc chất này đều muốn tự tử. Độ tuổi trung bình ngộ độc thuốc Paraquat là 27,2, hơn 63% nạn nhân là nam giới, chủ yếu là công nhân. Nguy hiểm hơn, số người ngộ độc Paraquat đang tăng lên theo từng năm.

 

Các BS cho biết, Paraquat là loại hóa chất cực độc có trong thuốc diệt cỏ đã bị cấm ở Châu Âu nhưng lại đang được sử dụng rộng rãi ở nước ta. Chỉ cần uống một lượng nhỏ chất này thì nguy cơ tử vong rất cao vì đến nay khoa học chưa nghiên cứu ra thuốc kháng độc, điều trị ngộ độc Paraquat. Cho tới nay chỉ có thể điều trị triệu chứng và nâng đỡ, chứ chưa có biện pháp nào hữu hiệu để can thiệp.

 

Bệnh nhân uống nhiều sẽ tử vong ngay, uống ít thì tử vong sau 5-7 ngày. Cũng có trường hợp sau ngộ độc 3-4 tháng mới tử vong do xơ phổi. Tại một hội thảo về chống độc do BV Chợ Rẫy tổ chức, PGS-TS Chen Chang Yang -Trung tâm Chống độc quốc gia Đài Loan (Trung Quốc) - cho biết, trung tâm thường từ chối không cấp cứu nếu bệnh nhân chuyển đến BV sau hơn 2 giờ uống Paraquat. Tại VN, thời gian “tận dụng giờ vàng” cho bệnh nhân ngộ độc Paraquat thường dài hơn 6 giờ sau khi uống. Và nếu như áp dụng theo đúng “chuẩn tận dụng giờ vàng” sau 2 giờ, thì tại VN bệnh nhân bị ngộ độc do Paraquat có mặt tại BV sau 2 giờ là... điều không tưởng. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân đến BV Chợ Rẫy đã bước sang ngày thứ ba.

 

BS Tôn Thất Quỳnh Ái – nguyên Trưởng khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy - cho biết, dù biết rửa ruột làm bệnh nhân đau đớn, tình trạng loét niêm mạc, thực quản, xuất huyết tiêu hoá... nặng hơn, nhưng lương tâm và đạo đức nghề nghiệp khiến các BS vẫn phải làm. 20-30mg/kg là liều lượng cảnh báo bệnh nhân có thể tử vong nếu uống. Qua điều tra bệnh sử, đa số bệnh nhân ngộ độc Paraquat thường là các gia đình nông dân nghèo, ít học. Chỉ một lần chạy thận lọc máu, bệnh nhân phải mua một màng lọc Paraquat 8-12 triệu đồng và chạy thận liên tục trong 8 giờ với sự theo dõi nghiêm ngặt của ít nhất là 2 điều dưỡng.

 

Cho đến nay, các phương pháp điều trị được áp dụng là chạy thận nhân tạo, lọc máu liên tục. Tuy nhiên phương pháp can thiệp này chỉ mang lại hiệu quả đối với những nạn nhân nhập viện trước 2 giờ kể từ khi uống Paraquat. Với những nạn nhân nhập viện trễ hơn, Paraquat đã ngấm vào các tổ chức, cơ quan của cơ thể nên hầu như vô phương cứu chữa.

 

Theo Võ Tuấn

Lao Động