Thuê xe cẩu đưa tàu thuyền lên bờ tránh cơn bão mạnh Noru
(Dân trí) - Trước dự báo Noru là cơn bão rất mạnh sẽ vào Biển Đông trong đêm nay, các tỉnh Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đều lên nhiều phương án khẩn trương ứng phó.
Đà Nẵng: Thuê xe cẩu đưa tàu thuyền lên bờ tránh bão
Sáng 25/9, ghi nhận của PV Dân trí tại biển Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), nhiều ngư dân đã thuê xe cẩu đưa tàu, thuyền về nơi tránh trú bão an toàn.
Tàu thuyền được cẩu lên nằm dọc tuyến đường Hoàng Sa, nằm bờ từ trưa nay. Chỉ còn một số thuyền thúng nhỏ của ngư dân vẫn cố đánh bắt hết hôm nay.
Chia sẻ với phóng viên, ngư dân Trần Văn Mạnh (trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà) cho biết, dù bão Noru chưa vào Biển Đông nhưng có dự báo sẽ ảnh hưởng đến Đà Nẵng nên gia đình tranh thủ đưa thuyền lên bờ sớm.
"Rút kinh nghiệm từ các đợt bão trước đây, khi có thông tin bão ảnh hưởng đến Đà Nẵng, chúng tôi đã đưa lên bờ sớm để khỏi chạy đôn chạy đáo khi bão vào. Sáng nay, trời tạnh ráo nên việc cẩu thuyền, che đậy cũng thuận tiện hơn", anh Mạnh chia sẻ.
Ngư dân Nguyễn Văn Phú (trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) hôm nay cũng đưa tàu lên bờ sớm, cho biết, tranh thủ lúc các chủ tàu thuyền khác chưa dồn dập chống bão, việc gọi xe cẩu dễ hơn nên ông tranh thủ.
"Hôm nay trời có nắng, theo kinh nghiệm có thể bão sẽ rất mạnh, gia đình tôi tranh thủ đưa thuyền lên bờ sớm. Mỗi lần thuê xe cẩu mất khoảng 800.000 đồng. Bây giờ dễ thuê chứ khi bão vào xe cẩu "cháy" nguồn, có người thuê không được đành phó thác thuyền cho sóng biển", ông Phú nói.
Trước đó, tối 24/9, trong cuộc họp ứng phó bão Noru, ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đã yêu cầu các địa phương sẵn sàng phòng chống bão Noru theo phương châm "4 tại chỗ".
Ông Sơn yêu cầu sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn tại khu trú tránh bão âu thuyền Thọ Quang và các điểm neo đậu được quy hoạch, di dời các tàu kinh doanh xăng dầu ra khỏi âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.
Thanh Hóa, Nghệ An "lên giây cót" ứng phó bão
Để ứng phó với bão Noru, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công điện yêu cầu quản lý chặt chẽ phương tiện tàu thuyền ra khơi; kêu gọi ngư dân chủ động về nơi tránh trú bão an toàn.
Tỉnh này cũng yêu cầu khẩn trương tổ chức cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà cửa công trình...; bảo đảm an toàn các tuyến đê; thu hoạch sớm lúa và hoa màu chạy bão.
Tại Nghệ An, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh đang yêu cầu các chủ phương tiện không được chủ quan trước diễn biến bất thường của bão Noru, khẩn trương vào bờ neo đậu tránh trú bão; lúa và hoa màu thu hoạch theo tiêu chí "xanh nhà hơn già đồng".
Tỉnh Nghệ An nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá,… trên sông, suối, hạ lưu hồ đập khi đang có mưa lũ để tránh thiệt hại về người.
Ngư dân Hà Tĩnh gia cố lồng bè, tàu thuyền
Ngày 24-25/9, hơn 55 hộ nuôi cá lồng bè trên sông Nghèn ở xã Thạch Sơn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã hoàn thành việc gia cố, giằng néo, kéo lồng bè vào sát bờ khi nghe tin thời tiết có mưa lớn và bão Noru sắp đổ bộ.
Cùng với đó, ngư dân tại đây dùng bạt phủ, che chắn cho các thuyền. "Khi nghe tin có mưa nhiều, kèm bão, chúng tôi phải dùng cách này để tránh nước vào thuyền nhiều dẫn đến chìm phương tiện", ông Hiếu (50 tuổi, thôn Sông Hải, xã Thạch Sơn) cho hay.
Theo lãnh đạo UBND xã Thạch Sơn, địa phương có tổng số 8 tấn cá lồng của bà con đã đến kỳ thu hoạch. Chính quyền đã trực tiếp xuống hướng dẫn bà con bảo vệ tài sản, lồng bè.
Ngày 24/9, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã ký ban hành công điện khẩn về việc tập trung ứng phó bão Noru.
Quảng Bình, Quảng Trị tạo điều kiện để tàu cá tỉnh bạn vào tránh trú bão
Sáng 25/9, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết, để phòng chống bão, cơ quan chức năng đã tiến hành kêu gọi tàu thuyền đi ra khỏi khu vực nguy hiểm, tìm nơi tránh trú bão, đồng thời lên các phương án sẵn sàng ứng phó với bão.
Đến 7h sáng nay (25/9), chủ các phương tiện, tàu thuyền tại Quảng Trị đã nhận được thông tin và hướng di chuyển của bão Noru. Trong tổng số 2.302 tàu, thuyền của địa phương này, hiện chỉ còn 9 tàu với 86 thuyền viên đang hoạt động trên biển.
Tại Quảng Bình, đến sáng nay (25/9), còn 43 tàu thuyền đang hoạt động trên biển và cũng đã nắm được thông tin bão.
Cơ quan chức năng cũng đã tăng cường kiểm soát tàu thuyền ra vào các cảng, tạo điều kiện để tàu cá tỉnh bạn vào tránh trú bão, đồng thời hướng dẫn tàu thuyền neo đậu một cách an toàn, không để va chạm, cháy nổ trong khu neo đậu.
Tỉnh Quảng Bình đã triển khai các phương án sẵn sàng ứng phó với bão, không để bị động, đảm bảo an toàn trong mọi tình huống.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong 12 giờ qua, cường độ bão Noru đã liên tục mạnh lên.
Dự báo từ khoảng chiều và đêm 27/9, bão Noru ảnh hưởng trực tiếp nước ta. Khi vào vùng biển gần bờ, cường độ bão duy trì ở khoảng cấp 13, ảnh hưởng đến đất liền ở khoảng cấp 12 - cấp 13, giật trên cấp 14.
Dự báo đây là cơn bão rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, có thể gây mưa rất lớn, kéo theo đó là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định được dự báo là khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão Noru.