1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
  3. Thảm họa lũ quét Làng Nủ

Thực thi pháp luật về bình đẳng giới còn xa mong đợi

(Dân trí) - Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Bộ luật lao động sẽ được Quốc hội khóa 14 thảo luận và thông qua. Làm thể nào để khắc phục được tình trạng phân biệt giới trong quy định cũng như ở khâu thực thi pháp luật. PV đã có cuộc phỏng vấn với ông Ngọ Duy Hiểu – Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN.

Là ĐBQH và là người có thời gian dài nghiên cứu, giảng dạy pháp luật, Ông có thể đánh giá khái quát về quy định của pháp luật Việt Nam về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, được thể hiện tại Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật liên quan, nhằm đảm bảo sự tiến bộ của phụ nữ trong mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội và thị trường lao động.

Bộ luật Lao động (2012) với những điều khoản tiến bộ đã phần nào thể hiện những cam kết của Việt Nam trong việc loại bỏ các hình thức phân biệt đối xử trên cơ sở giới, dành riêng Chương X về những quy định riêng đối với lao động nữ, trong đó nêu rõ chính sách của Nhà nước là bảo đảm quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ và Nhà nước cũng đã quy định có chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với người sử dụng lao động có sử dụng nhiều lao động nữ.

Thực thi pháp luật về bình đẳng giới còn xa mong đợi - 1

Tuy nhiên, quá trình thực hiện bộc lộ nhiều hạn chế như: các quy định liên quan đến cơ hội việc làm và trách nhiệm đối với gia đình của người lao động vẫn thể hiện tính chất phân biệt đối xử trên cơ sở giới, có chính sách vô hình chung trở thành rào cản đối với lao động nữ và nhiều quy định đã hoàn thiện nhưng khó thực hiện trên thực tế và cần có sự điều chỉnh, thống nhất với Hiến pháp (2013), Luật bình đẳng giới (2006) và Luật bảo hiểm xã hội (2014). Đó là những vấn đề cần đặt ra trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động 2012.

Thời gian qua Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, khảo sát tại các doanh nghiệp.Thực trạng thực hiện bình đẳng giới ở khu vực này như thế nào thưa ông?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Thời gian qua, tôi cùng với một số đại biểu Quốc hội và các chuyên gia khảo sát trực tiếp tại 5 tỉnh, thành phố. Qua các tọa đàm, khảo sát, chúng tôi nhận thấy, bình đẳng giới tại nơi làm việc đã đạt được những bước tiến đáng kể nhưng vẫn còn xa mong đợi. Thực tế lao động nữ cũng còn rất nhiều vấn đề cần quan tâm như: điều kiện làm việc, cơ hội thăng tiến và phát triển nghề nghiệp. Thực tế lao động nữ khó khăn hơn nam giới trong tiếp cận nghề nghiệp bởi thể lực yếu hơn, trách nhiệm và thời gian cho công việc gia đình lại cao hơn trong khi điều kiện chăm sóc sức khỏe, nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động, trình độ chuyên môn, kỹ thuật và tay nghề của đa số lao động nữ không bằng nam giới. Điều đáng suy nghĩ ở đây là những công việc, ngành nghề tập trung nhiều nữ giới (như dệt may, da giày, hay nhóm công việc dịch vụ và bán hàng, v.v.) có xu hướng thu nhập thấp hơn và bấp bênh hơn so với những nhóm công việc, ngành nghề tập trung nhiều nam giới. Mặt khác cũng do trình độ chuyên môn, tay nghề chưa được đào tạo bài bản nên lao động nữ thường là đối tượng xem xét trong những đợt ‘sa thải’ lớn của nhiều doanh nghiệp.

Thực thi pháp luật về bình đẳng giới còn xa mong đợi - 2

Hiện nay mặt bằng chung phụ nữ đang gánh vác phần lớn trách nhiệm chăm sóc gia đình. Điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng tới cơ hội việc làm và sự phấn đấu của họ tại nơi làm việc. Theo ông, BLLĐ có thể góp phần thúc đẩy việc chia sẻ trách nhiệm gia đình của nam và nữ như thế nào?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Điều 159 của Bộ luật Lao động hiện chỉ quy định cho phép lao động nữ được nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội khi chăm sóc con dưới 7 tuổi ốm đau; nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi, hay thực hiện biện pháp tránh thai. Quy định này đang vô hình chung củng cố những định kiến về vai trò của nam và nữ trong gia đình và tại nơi làm việc; do đó, Bộ luật Lao động đang được nghiên cứu điều chỉnh theo hướng bình đẳng và chia sẻ trách nhiệm, vai trò của nam giới trong công việc chăm sóc gia đình, đó là quy định cả lao động nam và nữ được nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội khi chăm sóc con ốm, được hỗ trợ khi có con ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo và thống nhất với quy định của Luật bảo hiểm xã hội (2014) về việc lao động nam được hưởng BHXH khi vợ sinh con..

Bộ luật Lao động 2012 đã quy định về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, tuy nhiên lại không đưa ra khái niệm rõ ràng, gây khó khăn cho việc xử lý. Điều này sẽ được khắc phục tại Bộ luật Lao động sửa đổi tới đây như thế nào thưa Ông?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Lần đầu tiên, Bộ luật Lao động 2012 đã chính thức quy định về việc cấm quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Việc hoàn thiện các quy định về quấy rối tình dục trong Bộ luật Lao động hiện hành đang được tập trung vào giải quyết những vấn đề như: Bổ sung khái niệm quấy rối tình dục tại nơi làm việc; Làm rõ phạm vi “nơi làm việc” để tránh nhầm lẫn với “địa điểm làm việc”.

Hiện đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu vẫn còn nhiều tranh cãi, vậy quan điểm của Tổng LĐLĐVN về vấn đề này như thế nào thưa Ông?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Tăng tuổi hưu là vấn đề phức tạp, tác động đến nhiều yếu tố nên cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, đánh giá tác động một cách toàn diện. Đặc biệt, cần cân nhắc xem xét tuổi nghỉ hưu của các đối tượng là công nhân lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù hay lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, khu vực hành chính sự nghiệp có thể nghiên cứu đề xuất tăng theo lộ trình khác nhau phù hợp với từng đối tượng.

Xin chân thành cảm ơn Ông dành thời gian cho buổi trao đổi này.