Thực hư về đường hầm cổ ở trường Chu Văn An
(Dân trí) - Rạng sáng ngày 5/6, khi đang đào móng xây dựng tượng đài Chu Văn An trong sân ngôi trường mang tên người thầy giáo vĩ đại này, công nhân phát hiện ra dấu tích <a href="http://www8.dantri.com.vn/Sukien/2006/6/122002.vip">một hệ thống đường ngầm</a> dưới mặt đất.
Theo quan sát của chúng tôi, khu vực được phát hiện là một ngã ba với dấu vết của ba cửa vào được xây cuốn vòm bằng gạch chỉ đỏ. Bề ngang của mỗi cửa chừng 1,7 mét. Điều đáng chú ý là cửa và vách đường ngầm được xây dựng bằng một loại vữa đặc biệt rất rắn chắc mà không có cốt sắt.
Một số công nhân Công ty xây dựng số 1 Hà Nội đào được đường ngầm này thì cho biết, đây đơn giản chỉ là hệ thống ống cống giống như rất nhiều hệ thống ống cống chằng chịt hiện có tại Hà Nội, được làm từ thời Pháp cũng với cấu trúc cổng vòm tương tự.
Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra: tại sao hệ thống cống thoát nước của Hà Nội lại xuất hiện ở đây trong khi khu vực này trước khi xây dựng trường THPT Chu Văn An là một khu đất trống? Và ngôi trường này đã được xây dựng từ năm 1808. Mặt khác, một người dân trong khu vực cho biết, chính người này đã dùng cây sào dài chừng 1,6 mét cắm sâu xuống hầm nhưng chưa chạm tới đáy.
Theo ông Hoàng Văn Tân, cán bộ giảng dạy tại trường cấp III Chu Văn An từ năm 1955 đến năm 1975, hiện trú tại N2 phòng 404 Vĩnh Phúc 2, hệ thống đường ngầm mới được phát hiện này đích xác là một nhánh của hệ thống đường hầm do người Nhật xây dựng từ năm 1942 chạy từ Công viên Bách Thảo, đi xuyên dưới nhà Bát Giác đến mép hồ Tây.
Ông Tân cho biết thêm, không phải đến bây giờ hệ thống hầm ngầm mới được phát hiện. Vào năm 1967, khi Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, phòng giáo dục quận Ba Đình đã chọn khu vực sân trường cấp III Chu Văn An (nay là trường THPT Chu Văn An) để đào hầm tránh bom. Tình cờ, bà Mua, phó phòng giáo dục quận (đã mất) đã đào trúng nóc hầm, bên dưới là cả một hệ thống chằng chịt những đường ngang ngõ tắt vô cùng lắt léo. Nhờ đó, phòng giáo dục quận Ba Đình sử dụng luôn làm hầm trú ẩn cho đến hết chiến tranh phá hoại.
Công nhân đang lấp cát kín các nhánh đường hầm, điều này sẽ cản trở việc tìm nguồn gốc của hầm ngầm này. |
Câu chuyện chưa dừng ở đây, theo trí nhớ của ông Tân, vào khoảng năm 1975, 1976 mà khi đó ông là giáo viên, Phòng thí nghiệm của trường cấp III Chu Văn An bị “đạo chích” hỏi thăm và khuân đi 10 chiếc máy khâu hiệu con bướm. Do lượng đồ quá nhiều nên bọn kẻ trộm đã mang giấu số đầu máy khâu kể trên tại một ngách hầm chạy thông ra vườn Bách Thảo, đoạn giáp với sông Tô Lịch, trước khi bị phát hiện và thu hồi toàn bộ.
Ông Đỗ Văn Huyền - cán bộ phòng quản trị nhà trường cho biết, năm 2004, khi đào móng xây dựng lại khu nhà S trong trường cũng đã phát hiện không chỉ một đường hầm mà là cả một căn hầm nằm cách mặt đất chừng 1,5 mét. Căn hầm này có chiều cao không dưới 1,7 mét, diện tích khá lớn và la liệt những đường nhánh chạy chằng chịt.
Tuy nhiên đến nay, chưa có cơ quan nào tìm hiểu, nghiên cứu về hệ thống đường ngầm này. Ngay khi phát hiện đường ngầm nói trên, các công nhân xây dựng tượng đài Chu Văn An đã đổ cát bịt kín lối vào.
Khi chúng tôi đến hiện trường (15 giờ chiều 6/6), các công nhân xây dựng vẫn tiếp tục đổ đất, cát lấp kín gần hết ba cửa nhánh dẫn vào đường ngầm để chạy cho kịp tiến độ xây dựng tượng đài. Điều này khiến cho mong muốn của rất đông người dân trong việc xác định: đây có đích xác là hệ thống hầm ngầm hay không, trở thành vô vọng.
Phúc Hưng - Thái Sơn