1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thực hư “quả bom” nước thải bên hồ sông Đà ở Sơn La

(Dân trí) - Ông Cầm Ngọc Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La - vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương kiểm tra hồ nước thải màu xanh do Nhà máy Chế biến kim loại màu Sơn La (Công ty CP Khoáng sản Tây Bắc) xây dựng ở ven hồ Sông Đà.

Trước đó, báo chí phản ánh về việc, Nhà máy Chế biến kim loại màu Sơn La xây dựng một hồ chứa bùn thải khổng lồ ngay bên hồ sông Đà để phục vụ cho công tác khai thác ở Mỏ đồng Tân Hợp, đe dọa ô nhiễm môi trường. Hồ này được ví như “quả bom” nước thải khổng lồ đang “chực chờ” tràn ra sông Đà.

Người dân sinh sống ở địa phương cho biết, mùi hóa chất từ dưới hồ bốc lên gây khó chịu. Người dân cũng không biết đó là những loại hóa chất gì. Họ chỉ biết công nhân nhà máy lấy quặng từ lòng núi ra, sau đó xử lý qua một hệ thống máy móc rồi xả thải cả bùn và nước chảy về hồ chứa này. Năm ngoái còn chưa có đập ngăn. Sang năm 2014 mới có một đập đá ngăn giữa lòng hồ sông Đà và khu hồ thải.

Theo thông tin này, hồ thải ngày đêm bốc mùi nồng nặc gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân bản Sao Tua, xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu. Thân đập có hiện tượng nước rò rỉ. Có một trạm bơm nước thải ra nhưng không hoạt động. Có một số van tiêu thoát mà nếu mở có thể xả thẳng nước độc hại từ trong hồ ra hồ sông Đà.

Trạm bơm nước thải không hoạt động tại thời điểm PV ghi nhận.

Trạm bơm nước thải không hoạt động tại thời điểm PV ghi nhận.

Hồ chứa nước thải nằm ngay bên mép sông Đà.

Hồ chứa nước thải nằm ngay bên mép sông Đà.

Ông Mùi Văn Thứng (Trưởng bản Sao Tua) cho biết, người dân kiến nghị khá nhiều lên các cấp xã, huyện, tỉnh. Nhiều bà con còn “tố” nhà máy có hiện tượng xả thải trộm ra môi trường.

Theo lời ông Trương Hoa Bắc (Phó chủ tịch UBND huyện Mộc Châu), đã nhiều lần cơ quan này ra văn bản yêu cầu Công ty CP Khoáng sản Tây Bắc khắc phục những vi phạm về môi trường, thậm chí sẽ đề nghị rút giấy phép nếu cố tình làm trái các quy định về bảo vệ môi trường.

Cũng theo ông Bắc, tính đến nay, chưa thấy cơ quan nào cấp giấy phép xả thải cho doanh nghiệp này. UBND huyện cũng đã có công văn kiến nghị lên cấp trên. Hiện nay, tại một số cửa hầm khai thác của Nhà máy Chế biến kim loại màu Sơn La treo đầy chữ Trung Quốc không rõ nghĩa là gì.

Trước sự quan tâm của dư luận, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La khẳng định, các cơ quan tại địa phương quyết không bao che cho doanh nghiệp này nếu có những sai phạm như báo chí nêu. Hiện các cơ quan liên ngành cũng đã vào cuộc.

Nhà máy Chế biến kim loại màu Sơn La.
Nhà máy Chế biến kim loại màu Sơn La.

Nhà máy Chế biến kim loại màu Sơn La.
Doanh nghiệp Việt Nam, khai thác tại Việt Nam nhưng trên cửa, dòng chữ Trung Quốc được in to hơn hẳn chữ Việt Nam.

Trong khi đó, theo văn bản mới đây gửi cho cơ quan báo chí, Công ty Khoáng sản Tây Bắc cho rằng Nhà máy Chế biến kim loại màu Sơn La không vi phạm pháp luật và mọi hoạt động đều được cấp phép đầy đủ. Doanh nghiệp này cũng cho rằng, hồ nước thải của mình không gây ảnh hưởng tới môi trường.

Công văn cũng được gửi kèm một số biên bản kiểm tra, trong đó có biên bản của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La). Theo biên bản này, đoàn kiểm tra không thấy rò rỉ nước thải.

Đối với trạm xử lý nước thải không hoạt động, chủ dự án cho rằng, hiện tại, nước trong hồ chưa cần xả thải nên không vận hành trạm xử lý nước thải.

Chi cục Bảo vệ môi trường còn kết luận rằng, chưa có dấu hiện doanh nghiệp xả trực tiếp nước trong hồ thải ra sông Đà. Mặt khác, quá trình xả thải từ đập ra hệ thống xử lý đã được khống chế lưu lượng bằng đồng hồ đo. Cơ quan này cũng khẳng định hồ thải không bốc mùi nồng nặc. Những người dân trả lời trên báo "tố" hồ thải bốc mùi hôi thối, nhưng theo biên bản của Chi cục Bảo vệ môi trường, những người này lại nói ngược lại.

Công ty Khoáng sản Tây Bắc cũng cho hay, dòng chữ được ghi tại các cửa hầm bằng cả tiếng Việt Nam lẫn Trung Quốc có nghĩa là: "Công ty CP Khoáng sản Tây Bắc, An toàn vì năng suất, An toàn để sản xuất". Tuy nhiên, theo ghi nhận, dòng chữ Trung Quốc được doanh nghiệp này ghi lớn hơn hẳn dòng chữ tiếng Việt.

Q.Đô