1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Thực hư CSGT TPHCM dùng một ống cho nhiều người ngậm thổi đo nồng độ cồn

An Huy

(Dân trí) - "Không có chuyện CSGT sử dụng một ống thổi để đo nồng độ cồn nhiều người. Mỗi người được đo một ống, đo xong, ống này cũng bỏ", lãnh đạo Đội CSGT - Trật tự Công an quận 1 khẳng định.

Trước việc nhiều thông tin lan truyền trên mạng xã hội cho rằng lực lượng CSGT khi kiểm tra nồng độ cồn chỉ sử dụng một ống thổi để đo nhiều người gây mất vệ sinh, nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm, một số cán bộ CSGT ở TPHCM đã chia sẻ về vấn đề này, ngày 21/12.

Thực hư CSGT TPHCM dùng một ống cho nhiều người ngậm thổi đo nồng độ cồn - 1

Các chiến sĩ Đội CSGT - Trật tự Công an quận Phú Nhuận dùng máy đo định tính kiểm tra nồng độ cồn, tài xế chỉ thổi hơi chứ miệng không chạm máy (Ảnh: An Huy).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Đội CSGT - Trật tự Công an quận 1 cho biết, việc kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông có kế hoạch từ Công an TPHCM.

Trước khi đi làm, các tổ được triển khai kiểm tra nồng độ cồn sẽ chuẩn bị đầy đủ máy đo và máy in kết quả, ống thổi. Tại chốt, khi các tài xế được CSGT mời vào kiểm tra, mỗi người được đo một ống. CSGT đo xong, ống này cũng bỏ. Nếu tài xế không chấp nhận kết quả mà muốn đo thêm lần thứ hai CSGT sẽ tiếp tục sử dụng ống mới.

"Không có chuyện CSGT sử dụng một ống thổi để đo nhiều người. Thông tin CSGT dùng một ống đo hàng trăm người lan truyền trên mạng xã hội là không đúng. Tài xế đã từng được CSGT kiểm tra nồng độ cồn sẽ nắm rõ quy trình này", vị này nói.

Theo lãnh đạo Đội CSGT - Trật tự Công an quận 1, khi kiểm tra nồng độ cồn, CSGT sẽ dùng một ống thổi bằng nhựa còn trong túi nylon chưa xé tem, đưa trực tiếp cho tài xế tự xé ra rồi gắn vào máy đo để thổi. CSGT không đặt sẵn ống vào máy để kiểm tra tài xế. Quy trình gắn ống thổi được thực hiện dưới sự chứng kiến trực tiếp của tài xế.

Qua thời gian dài, các cán bộ chiến sĩ thực hiện nghiêm kế hoạch kiểm tra nồng độ cồn. Lượng tài xế xe máy, ô tô được kiểm tra rất lớn. Theo đó, số tài xế vi phạm giảm hẳn.

Đa phần người dân đã ý thức được quy định sử dụng thức uống có cồn khi lái xe. So với trước đây, trên địa bàn quận 1 hiện giảm cả 3 tiêu chí về số vụ tai nạn, người bị thương, người chết liên quan đến nồng độ cồn.

Thực hư CSGT TPHCM dùng một ống cho nhiều người ngậm thổi đo nồng độ cồn - 2

Khi kiểm tra định lượng, tài xế được cấp riêng một ống mới để ngậm thổi hơi vào (Ảnh: An Huy).

Lãnh đạo Đội CSGT - Trật tự Công an quận 1 khuyến cáo từ nay đến thời điểm Tết Nguyên đán, người dân nên chấp hành quy định không rượu bia khi điều khiển phương tiện. Người dân cũng lái xe đúng làn đường, đèn tín hiệu giao thông để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.

Bên cạnh đó, Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an TPHCM (PC08) cho biết, khi kiểm tra nồng độ cồn, CSGT sẽ kiểm tra 2 bước bằng máy định tính và định lượng.

Về định tính, CSGT sẽ kiểm tra lượng tài xế rất lớn cùng một lúc. Máy đo định tính được gắn ống hình phễu, người dân chỉ cần đọc từ 1 đến 10 trước máy hoặc thổi hơi vào, không để miệng chạm máy nên đảm bảo vệ sinh.

Kiểm tra định lượng, mỗi người dân được sử dụng một ống mới để kiểm tra nồng độ cồn, không có chuyện nhiều người dùng chung một ống thổi.

"Có thể người dân chưa nắm được quy trình kiểm tra nồng độ cồn nên nói nhiều người thổi chung một ống, điều này không đúng", Thượng tá Nguyễn Văn Bình khẳng định.