1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thú vị “làng Hàn Quốc” giữa đại ngàn Tây Nguyên

(Dân trí) - Gần đây, những cái tên mang “âm hưởng” Hàn Quốc như U-ri, Chun-sơk, Su-ny, Si-chun… xuất hiện ngày càng nhiều trong giấy khai sinh của những đứa trẻ làng Broch 1 và làng Djrông. Quá hâm mộ phim Hàn Quốc, các ông bố bà mẹ Tây Nguyên đã lấy tên Hàn để đặt cho con.

Có thể nói, văn hóa từ những bộ phim Hàn Quốc đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến giới trẻ Việt Nam, nhất là ở thành thị, khi ăn theo kiểu Hàn Quốc, mặc theo thời trang Hàn Quốc, âm nhạc của Hàn Quốc và yêu cũng lãng mạng như Hàn Quốc… Nhưng có lẽ không ở đâu sự “Hàn Quốc hóa” lại sâu sắc và thú vị như ở hai ngôi làng Broch 1 và làng Djrông (xã Ia Dơk, huyện Đăk Đoa, Gia Lai). Những người dân chất phác nơi đây, từ chỗ đam mê những bộ phim Hàn, họ đã cuồng nhiệt đến mức… đặt tên con theo tên nhân vật trong phim.
 

Thú vị “làng Hàn Quốc” giữa đại ngàn Tây Nguyên  - 1

Những đứa trẻ làng Broch 1 và Djrông mang những cái tên Hàn Quốc

 

Dạo một vòng quanh làng Broch 1 lúc 11 giờ trưa, hẳn người lạ sẽ rất ngạc nhiên khi thấy rất nhiều người dân lũ lượt kéo nhau từ rẫy về nhà. Họ trở về sớm vì không muốn bỏ lỡ bộ phim Hàn Quốc đang được chiếu trên ti vi. Hết phim họ lại ra làm rẫy tiếp.

 

Từ khi VTV1 chiếu bộ phim Hàn Quốc “Những nàng công chúa nổi tiếng” vào khoảng 11 giờ trưa cũng là lúc vợ chồng chị Lăk (34 tuổi - cán bộ phụ nữ của thôn Broch 1) đi làm rẫy về sớm hơn mọi khi. Hầu như gia đình chị, từ chồng, vợ đến cả đàn con cháu, đều không bỏ sót một tập nào. Chị Lăk cho biết, gia đình chị thích xem phim Hàn Quốc bởi người Hàn Quốc đẹp, phim lại hay. Và không chỉ mình nhà chị, các gia đình khác cũng thích xem, cũng sẵn sàng bỏ lại công việc trên rẫy để về xem phim.

 

Quá hâm mộ bộ phim, các ông bố bà mẹ Tây Nguyên còn đua nhau đặt tên cho con theo tên các nhân vật trong phim, mà không cần biết cái tên đó dịch ra có nghĩa là gì. Thường họ sẽ chọn tên của các nhân vật xinh đẹp, ngoan hiền, giỏi giang… mà họ yêu thích để đặt tên cho con. Người dân nơi đây giải thích, họ làm như vậy không chỉ bởi thần tượng nhân vật mà còn bởi họ mong muốn sau này con cái họ lớn lên cũng “tài sắc vẹn toàn” như nhân vật đó.

 

Vậy là những năm gần đây, những đứa trẻ ra đời mang tên truyền thống của vùng đất đỏ bazan ngày càng ít đi, thay vào đó là những cái tên Hàn, tên Tây. Như đứa con gái gần 2 năm tuổi của gia đình chị Chăm mang tên Hy-Chơng; cậu con trai cả của gia đình chị Chănh tên Cha-ri mà chị giải thích là lấy từ tên của nhân vật chính Moon Chae Ri trong phim “Khi mùa xuân về”.

 

Những cái tên như U-ri, Chun-sơk, Su-ny, Si-chun… cũng xuất hiện ngày càng nhiều trong các tờ giấy khai sinh. Chị Nguyễn Thị Hoài Thu - cán bộ Tư pháp - Hộ tịch xã A Dơk - cho biết: “Pháp luật không cấm người dân đặt tên cho con như thế nào, trừ tên lãnh tụ. Chính vì vậy, cha mẹ đến làm giấy khai sinh và ghi rõ họ tên con ra giấy, chúng tôi chỉ ghi theo tên đó. Nếu hỏi sao giống tên các nhân vật trên truyền hình thì họ cười không nói gì”.
 
Thú vị “làng Hàn Quốc” giữa đại ngàn Tây Nguyên  - 2
Gia đình chị Lăk đang xem bộ phim "những nàng công chúa nổi tiếng" trên VTV1

 

Đặc biệt, không chỉ “mốt” đặt tên Hàn, người dân nơi đây còn đặt tên cho con theo các cầu thủ bóng đá, các nhân vật nổi tiếng... Phổ biến là những cái tên Rê-Mi, Li-Sa, Bà-ra-háp, Xa-ri…

 

Đang gọi cậu con trai có cái tên Mes-si (đặt theo tên cầu thủ bóng đá Messi người Argentina), anh Krưp tự hào nói: “Mình rất thích xem bóng đá, trong đó mình thích nhất cầu thủ Messi đang dá cho Câu lạc bộ Barcelona tại Cup C1 năm 2010, nên khi vợ mình đẻ con mình đặt luôn tên này cho con để đến sau nó đá bóng giỏi như vậy”.

 

Làng Brock 1 với 120 hộ (trong đó có 20 hộ người Kinh), hơn 400 nhân khẩu, sinh sống bằng nghề trồng cây công nghiệp. Kinh tế của làng đang dần đổi thay, những phương tiện hiện đại như ti vi, điện thoại… cũng đã rất phổ biến. Kéo theo đó là một trào lưu văn hóa du nhập vào qua các phương tiện truyền thông, biến một ngôi làng lạc hậu thành một làng vừa Hàn Quốc vừa Tây-Âu!

 

Thiên Thư