Kon Tum:
Thú vị chuyện kiếm củi hứa hôn thời... hết rừng
(Dân trí) - Khi không thể vào rừng chặt củi để làm lễ hồi môn về nhà chồng, các cô gái người Striêng (làng Đăk Răng, Đăk Dục, Ngọc Hồi, Kon Tum) sẽ phải mua củi hoặc mua bếp ga, bếp từ... mang về nhà chồng.
Từ xa xưa, người phụ nữ Striêng ở làng Đăk Răng luôn được giao nhiệm vụ gắn liền với cái bếp, nên vai trò người phụ nữ trong gia đình rất quan trọng. Chính vì vậy, những người con gái Striêng muốn về nhà chồng thì trước hết phải trải qua một thử thách rất vất vả và nguy hiểm để chứng tỏ được sự đảm đang của mình. Trước khi về nhà chồng, mỗi cô gái phải trèo đèo, lội suối vào sâu trong rừng tìm những cây gỗ dẻ to chắc rồi đốn hạ, chặt thành những bó củi đều đặn lên đến 100 bó. Khoảng hơn 1 tháng sau, khi những bó củi đã khô, các cô gái quay trở lại và gùi những bó củi này về nhà với quãng đường hàng chục km.
Khi những bó củi về đến nhà, sơn nữ Striêng sẽ đợi đến lúc sắp về nhà chồng thì sẽ gùi củi đến sắp đầy sân nhà chồng tương lai. “Chỉ cần nhìn vào đống củi của gia đình sắp có con dâu thì người ta sẽ đánh giá được con dâu nhà đó. Nhà nào củi càng nhiều thì chứng tỏ con dâu nhà đó vừa giàu, vừa cao quý và đảm đang”, già làng Brô Vẻ (làng Đăk Răng) cho biết.
Trải qua nhiều thế hệ, đến nay, người Striêng ở làng Đăk Răng vẫn giữ được tục lệ này nhưng nó đã dần được “cải cách” để phù hợp với xã hội hiện tại. Già Vẻ cho biết, do ngày nay rừng đã cạn kiệt nên việc lên núi kiếm củi cực kì khó khăn, vì thế thử thách tình yêu và sự đảm đang của các sơn nữ Striêng đã được giảm đi rất nhiều. Trước khi về nhà chồng, các cô gái chỉ cần kiếm cho mình hơn 10 bó củi cũng được. Và những bó củi này không nhất thiết phải vào rừng kiếm mà có thể mua của người dân trong xã, hoặc tự trồng củi. Vì vậy, nếu gia đình cô gái nào giàu thì sẽ có nhiều củi và ngược lại.
Khi tục lệ được cải cách, một số gia đình sơn nữ có đất đai rộng sẽ chọn cây bời lời để trồng, bởi đây là cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế. Chỉ vài năm sau, bời lời sẽ được chặt, phần vỏ và lá được chủ nhân bán cho các thương lái mua về làm hương, còn phần thân cây sẽ được chặt thành những bó củi hứa hôn. Những gia đình khác, cũng chọn cách này để bán củi cho gia đình có con gái chuẩn bị lấy chồng.
“Trước đây người phụ nữ chỉ ở nhà lo nấu nướng, người đàn ông thì vào rừng săn bắn, nên người phụ nữ được tượng trưng cho cái bếp, người phụ nữ kèm theo bên chồng là người bếp nên phụ nữ phải đảm đang việc nhà. Nên trong bếp phải có củi, củi càng nhiều thì người phụ nữ càng đảm đang, củi dùng để nấu ăn, để sưởi ấm cho nhà, lúc sinh đẻ sẽ có củi để dùng. Nhìn vào đống củi người làng sẽ đánh giá được người phụ nữ này có đảm đang hay không”, già Vẻ kể.
Ngoài ra, do cuộc sống hiện đại đang ngày càng “xâm nhập” sâu vào làng Đăk Răng, đời sống và suy nghĩ của bà con đã và đang thay đổi rất nhiều. Nhiều vật dụng hiện đại đã có mặt trong sinh hoạt của từng gia đình, vì vậy, những bó củi đang dần được thay thế bằng những chiếc bếp ga, bếp điện, chăn, chiếu. Các cô gái thay vì bỏ thời gia đi kiếm củi, thì sẽ làm kinh tế, dành dụm để mua những chiếc bếp ga hay bếp điện, chăn, chiếu để mang về nhà chồng.
Tuy nhiên, truyền thống là thứ không thể bỏ được. Các cô gái tuy đã có bếp ga hiện đại thay thế, nhưng vẫn phải có những bó củi đi theo về nhà chồng: “Xưa thì thoải mái rồi vì có rừng, bây giờ không có rừng nữa, nhưng truyền thống thì không thể bỏ được. Các cô gái phải trồng cây muồng hoặc cây bời lời quanh nhà để có củi, hoặc đi xin bạn bè, mua... Không nhiều nhưng cũng phải có ít nhất là 5 bó, 10 bó để mang về nhà chồng làm củi hứa hôn. Năm ngoái, con dâu mình về nhà mình cũng phải mang theo 10 bó củi, còn bếp ga thì nhà mình có rồi nên nó không phải mang theo”, già Vẻ cho biết thêm.
Thiên Thư