1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thủ tướng yêu cầu thay đổi kết cấu phiếu tín nhiệm đánh giá cán bộ

(Dân trí) - “Thực tiễn quản lý đang đòi hỏi đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo”, “Không mạnh dạn áp dụng cơ chế tự chủ tài chính, lao động sẽ khó có thể thu hút, sử dụng và phát huy được người giỏi và người tài” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Sáng 5/8/2014, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Bí thư Ban Cán sự để cho ý kiến vào Đề án Đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng và Đề án Phát triển đội ngũ trí thức phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đây là các Đề án quan trọng được xây dựng nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Trung ương, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến công tác xây dựng đội ngũ trí thức và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Thủ tướng yêu cầu thay đổi kết cấu phiếu tín nhiệm đánh giá cán bộ

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Mạnh dạn áp dụng cơ chế tự chủ tài chính để thu hút người giỏi, người tài" (ảnh: Chinhphu.vn).

Ứng viên thi tuyển vụ trưởng phải lấy phiếu tín nhiệm

Tại cuộc họp, Bộ Nội vụ trình bày đề án “Đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp phòng”, nêu rõ sự cần thiết và căn cứ xây dựng Đề án; thực trạng tuyển chọn cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý hiện nay, trong đó có đánh giá việc thực hiện thí điểm thi tuyển lãnh đạo, quản lý thời gian qua của một số Bộ, ngành và địa phương.

Đề án cũng đưa ra mục tiêu của việc đổi mới là nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng, qua đó khắc phục những hạn chế, bất cập trong tuyển chọn lãnh đạo, quản lý, góp phần vào thực hiện việc đổi mới công tác cán bộ.

Đề án nêu 5 nội dung đổi mới cách tuyển chọn như quy định rõ, cụ thể thầm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong giới thiệu, đề xuất, bổ nhiệm nhân sự; mở rộng phạm vi đề cử, đăng ký dự tuyển lãnh đạo quản lý; bổ sung thêm người dự tuyển phải trình bày chương trình hành động trước khi lấy phiếu tín nhiệm; thay đổi nội dung, kết cấu phiếu tín nhiệm; đổi mới công tác bổ nhiệm lại.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý luôn là yêu cầu cấp bách, khách quan và là đòi hỏi của thực tiễn quản lý hiện nay, trong đó đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thực hiện tốt Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhất trí hoàn thiện Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng” trên tinh thần đổi mới cách tuyển chọn nhưng phải đảm bảo các quan điểm, nguyên tắc về công tác cán bộ của Đảng; thu hút được những người có đức, có tài gắn với tiêu chuẩn của từng chức vụ cụ thể; gắn trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan, tổ chức; đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, tăng cường sự giám sát của nhân dân và các tổ chức đoàn thể; bảo đảm tính kế thừa, ổn định và khắc phục những hạn chế của quy trình tuyển chọn hiện nay.

Thủ tướng yêu cầu Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ có đánh giá đầy đủ và toàn diện hơn phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ, quản lý theo quy trình đã và đang làm từ trước đến nay; cũng như phương thức tuyển chọn qua thi tuyển đang được các Bộ, ngành, địa phương thí điểm thực hiện; nêu rõ các mặt được, các mặt hạn chế, từ đó đề xuất các giải pháp đổi mới về quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ, đảm bảo quan điểm, nguyên tắc đã đề ra, đồng thời lựa chọn được những người thực sự có đức, có tài vào các vị trí lãnh đạo, quản lý.

Mạnh dạn giao tự chủ tài chính để hút người giỏi

Cho ý kiến vào Đề án Phát triển đội ngũ trí thức phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ban Cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục hoàn thiện Đề án trên tinh thần đi sâu phân tích và đề xuất các cơ chế, chính sách, nhất là các cơ chế, chính sách mang tính động lực, đột phá để phát triển đội ngũ trí thức. Các cơ chế, chính sách này phải nhằm bảo đảm sử dụng, phát huy tối đa đội ngũ hiện có, đồng thời đào tạo, phát triển nhanh và chất lượng đội ngũ kế cận.

Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách cũng phải tạo được động lực để sử dụng, phát huy trí thức bên ngoài xã hội và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị cần phân tích, đánh giá đầy đủ, sâu sắc các cơ chế, chính sách hiện hành, những mặt được và hạn chế, từ đó đề xuất những giải pháp khắc phục, mạnh dạn áp dụng các cơ chế mang tính đột phá trong tất cả các khâu, từ phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, đào tạo đến sử dụng và đánh giá, đãi ngộ và tôn vinh.

“Không mạnh dạn áp dụng cơ chế tự chủ, nhất là tự chủ về tài chính và lao động, sẽ khó mà thu hút, sử dụng và phát huy được người giỏi và người tài” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Trước đó, cho ý kiến vào Đề án, các thành viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ cũng nhấn mạnh đến các giải pháp về cơ chế, chính sách để sử dụng và phát huy đội ngũ trí thức, trong đó có các giải pháp về tự chủ, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ trí thức, xây dựng môi trường làm việc thuận lợi, dân chủ để phát huy tài năng, sáng tạo của trí thức; tôn trọng đặc thù, sử dụng và đánh giá đúng để thu hút, giữ chân và phát huy sức sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức.

P.Thảo