1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp “chia lửa” chống lạm phát

(Dân trí) - Cuộc đối thoại của Thủ tướng với lãnh đạo các tập đoàn, Tổng công ty lớn của nhà nước về vấn đề kiềm chế lạm phát kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ chiều 1/4. Trách nhiệm “chia lửa” cùng Chính phủ trong cuộc chiến chống lạm phát đã được giao cho các “con cưng”.

Đồng loạt “tự thán”

Cuộc đối thoại với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng rõ ràng là một dịp để nhiều doanh nghiệp “con cưng” của nhà nước (làm ra 40% GDP nhưng cũng chiếm tới 60% dư nợ tín dụng và đang sử dụng 70% dư nợ quốc gia) tố khổ, kêu khó. Yêu cầu “chia lửa” đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ với các tập đoàn, các tổng công ty nhà nước lớn là giữ giá các mặt hàng thiết yếu cho đến hết tháng 6. Dù vẫn còn khoản trợ giá, bù lỗ từ ngân sách, các doanh nghiệp đều kêu trời.

Đại diện của Tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam - Tổng giám đốc Đoàn Văn Kiển gượng cười khi cam kết thực hiện nghiêm chỉnh việc không tăng giá bán than. Ông Kiển cho biết, giá bán than trong nước hiện chỉ bằng 45% giá xuất khẩu. Chấp nhận tiếp tục giữ giá nhưng ông Kiển cũng “đèo” thêm cảnh báo, chênh lệch giá bán sẽ phát sinh xuất khẩu lậu và gian lận thương mại (như tình trạng “chảy máu” xăng dầu thời gian qua).

8 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát:

1. Thắt chặt tiền tệ;

2. Cắt giảm đầu tư, chi phí không cần thiết;

3. Đẩy mạnh sản xuất;

4. Đảm bảo cân đối các mặt hàng chủ yếu, đẩy mạnh xuất khẩu, chống nhập siêu;

5. Triệt để tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng;

6. Quản lý thị trường, chống đầu cơ;

7. Triển khai mở rộng các chính sách an sinh xã hội;

8. Đồng tâm hiệp lực để ổn định tình hình kinh tế xã hội.

Vị Tổng giám đốc Tập đoàn cũng đề nghị tạm thời chưa điều chỉnh thuế xuất khẩu than cũng như cho đơn vị được hưởng một số cơ chế đặc biệt để ứng phó với tình hình khó khăn. Tỏ ý mừng ra mặt về việc không tăng giá than, đại diện ngành xi măng cũng đề nghị cho mình khai thác 1-2 mỏ than để cạnh tranh giá với ngành than.

Chủ tịch HĐQT TCty Xi măng Việt Nam phân trần nỗi khổ “ép xác” của mình, rằng suốt 7 năm nay, xi măng vẫn giữ nguyên giá cũ. Trong bối cảnh đồng tiền mất giá hiện nay, mức giá bán hiện nay đã giảm đi 30% giá trị thực. Trước yêu cầu không tăng giá xi măng, người đứng đầu ngành thở dài, giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng, chi phí cho mỗi tấn xi măng ra lò đã đội thêm hơn 60.000đ. Vì “nghiến răng chia lửa” cùng Chính phủ, TCty đã cố gồng gánh để chỉ tăng 30.000 -35.000đ/tấn xi măng.

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) có lẽ là đơn vị kể khó “thảm” nhất. Tổng giám đốc EVN - Phạm Lê Thanh ta thán về lãng phí điện của người tiêu dùng và nhà sản xuất. Trong khi đó, theo xác minh của Bộ Công thương, năm 2007, EVN đã phải mua điện từ các đơn vị ngoài hơn 17.000kwh, chịu lỗ hơn 4.000 tỷ đồng. Năm nay, dự tính, tập đoàn sẽ phải nhập thêm 24.000kwh điện nữa và số lỗ sẽ gấp rưỡi.

Ông Thanh kiến nghị cần có biện pháp xử lý những đơn vị sử dụng tiền ngân sách mà không tiết kiệm điện, tiết giảm tối đa điện ở các khu vực sản xuất như điện chiếu sáng trong khuôn viên các khu công nghiệp. Vị lãnh đạo ngành điện cũng đề nghị xem xét thời điểm cho tăng giá điện vì sẽ không ai dám bỏ vốn đầu tư khi lỗ rất nặng và việc thiếu điện sẽ càng trầm trọng.

Không tăng giá, cũng không quay lại bao cấp

Đáp lại tất cả những “ưu tư” của các “đại gia” than, thép, điện, nước, đường sắt, ngân hàng… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiều lần khẳng định vai trò “lực lượng chủ lực của nền kinh tế”, đem lại 40% GDP hàng năm cho đất nước. Tuy nhiên vấn đề cốt yếu trong lúc này là “phải chung sức với Chỉnh phủ, phải có trách nhiệm với nền kinh tế và đất nước mà cũng vì chính lợi ích của mỗi đơn vị”.

Thủ tướng khẳng định, mục tiêu ưu tiên hàng đầu, then chốt hiện nay là phải kiềm chế lạm phát. Chính phủ chấp nhận giữ giá, bù lỗ, chưa cho tăng trong thời điểm này vì nhiệm vụ đó chứ không phải quay về bao cấp.

Người đứng đầu Chính phủ dành nhiều chia sẻ “vỗ về” ngành điện. Thủ tướng bày tỏ sự thấu hiểu cái khó của EVN với tỷ lệ thất thoát điện năng lên tới 11% hiện nay. Ông làm một phép tính, tổng lượng điện tiêu thụ một năm khoảng 60 tỷ kwh, vậy là EVN “mất trắng” 6 tỷ kwh điệm mỗi năm, một số tiền vô cùng lớn.

4 nhiệm vụ dành cho khối DNNN:

1. Rà soát và đẩy mạnh sản xuất;

2. Quyết liệt chống lại việc đầu tư không cần thiết và kém hiệu quả;

3. Đảm bảo tốt cân đối lớn của nền kinh tế, không để xảy ra khủng hoảng;

4. DNNN là lực lượng nòng cốt giữ bình ổn giá.

Thủ tướng cũng động viên ngành điện, sẽ có lộ trình tăng giá, nhà nước không quay lại bao cấp giá điện. Sẽ có chính sách hỗ trợ cho người nghèo, người khó trực tiếp chứ không để bao cấp toàn xã hội, điện sẽ tiếp cận mức giá thị trường.

Quay qua Chủ tịch HĐQT tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xác nhận, kinh doanh xăng dầu năm nay sẽ phải bù lỗ 12.000 tỷ đồng. Đổi lại, ông kêu gọi các đơn vị đầu tư sâu vào thiết bị, để có thể tiết giảm nhiên liệu. Ví như nhà nước tiếp tục bao cấp, trợ giá xăng dầu thì bao nhiêu chiếc thuyền đánh bắt xa bờ sẽ chỉ nhăm nhăm mua máy móc cũ, giá rẻ và vô tư cười ví “máy uống dầu như Tây uống bia” mà vẫn xài thả cửa vì giá dầu cũng vẫn “rẻ chán”.

Thủ tướng nhấn mạnh lại “càng bao cấp, nền kinh tế sẽ còn méo mó, kém hiệu quả”. Tuy nhiên, trước mắt, các mặt hàng chủ chốt vẫn chưa thể tăng giá.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu chính khối các “đại gia” phải thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm tối đa. Tiết kiệm bắt đầu từ việc giảm xăng dầu đi lại, giảm hội nghị, giảm điện thoại cho tới việc bằng mọi cách giảm 10% chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm.

Các DNNN được đặt trọng trách là lực lượng nòng cốt để đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo cân đối cung - cầu của nền kinh tế, giữ bình ổn giá… Sau hơn 4 giờ đồng hồ đối thoại, thông điệp gửi tới khối doanh nghiệp là “biến khó khăn thành thuận lợi, biến thách thức thành thời cơ” để kiểm soát, đẩy lùi lạm phát.

Phương Thảo - Mạnh Cường