Thủ tướng: "Xóa mù" về chuyển đổi số là nhiệm vụ cấp bách
(Dân trí) - Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đất nước đang đứng trước cơ hội lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, mà trong đó, phổ cập tri thức, công nghệ về chuyển đổi số là nhiệm vụ cấp bách.
Chiều 26/3, tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tổ chức Lễ phát động phong trào "Bình dân học vụ số" và Bộ Công an công bố nền tảng "Bình dân học vụ số".
Dự buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo, đại biểu thực hiện nghi thức phát động phong trào và ra mắt nền tảng "Bình dân học vụ số" tại địa chỉ https://binhdanhocvuso.gov.vn.
Theo Bộ Công an, với vai trò là cơ quan thường trực của Đề án 06, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội, cùng các bộ, ngành, địa phương tổ chức xây dựng, hoàn thiện và đưa vào vận hành nền tảng "Bình dân học vụ số" - nền tảng đào tạo tập huấn quốc gia do Bộ Công an và Đại học Bách khoa triển khai quản lý và vận hành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức phát động phong trào "Bình dân học vụ số" (Ảnh: Báo Chính phủ).
Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy chuẩn kỹ thuật kết nối với các nền tảng số khác nhằm phục vụ hiệu quả công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Với các tính năng ưu việt, nền tảng "Bình dân học vụ số" đã sẵn sàng đưa vào khai thác, vận hành trên toàn quốc từ ngày 1/4.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là một nhiệm vụ quan trọng nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hưởng ứng và thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về học tập suốt đời và triển khai phong trào "Bình dân học vụ số".
"Nếu chúng ta nhận thức khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn cách mạng hiện nay thì không thể không nói đến xã hội số, quốc gia số và công dân số toàn diện, toàn trình. Từ đó, không thể không có phong trào "Bình dân học vụ số"", Thủ tướng phát biểu.
Theo Thủ tướng, phong trào "Bình dân học vụ số" có ý nghĩa quan trọng, nhân văn sâu sắc đối với sự phát triển đất nước, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công cuộc phát triển quốc gia số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
"Đất nước đang đứng trước cơ hội lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, phát triển mạnh mẽ với động lực chính đến từ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Chúng ta phải thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách, đó là, phổ cập tri thức, công nghệ về chuyển đổi số, kỹ năng số cho toàn dân, tức là "xóa mù" về chuyển đổi số", Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng trao đổi về nền tảng "Bình dân học vụ số" (Ảnh: Cục C06).
Chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong chuyển đổi số thời gian qua, theo Thủ tướng, nhận thức và hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu về chuyển đổi số còn hạn chế.
Bên cạnh đó, chất lượng, hiệu quả trong cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa cao; nhiều ứng dụng, hệ thống được phát triển, nhưng còn rời rạc, chưa hoàn thiện, chưa hình thành nhiều nền tảng số quy mô lớn, dùng chung. Dữ liệu đã hình thành, nhưng còn cát cứ, chưa kết nối, chia sẻ và khai thác hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ thông tin.
Đặc biệt là nhân lực chuyên trách về chuyển đổi số trong các cơ quan, tổ chức còn thiếu và chưa đồng đều; kỹ năng số chưa được phổ cập rộng rãi trong xã hội.
Nền tảng "Bình dân học vụ số" được thiết kế trên cơ sở ứng dụng các chuẩn công nghệ tiên tiến hàng đầu hiện nay trong lĩnh vực đào tạo trực tuyến, bảo đảm khả năng mở rộng linh hoạt và đáp ứng quy mô lớn phục vụ người học.
Người học có thể truy nhập nhanh, dễ dàng, từ bất cứ địa điểm nào có kết nối Internet, trên các thiết bị thông dụng, cung cấp khả năng tương tác giữa người dạy và người học theo nhiều hình thức, tự học theo bài giảng video, học có giám sát cả trực tiếp bởi con người hoặc qua trí tuệ nhân tạo (AI).
Việc kết nối với nền tảng định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an cho phép hệ thống có thể định danh người học thông qua tài khoản VNeID, qua đó theo dõi chi tiết quá trình học của từng học viên, đánh giá, giám sát và báo cáo tiến độ học tập của học viên bằng công nghệ AI nhận dạng khuôn mặt, đảm bảo tính nghiêm túc trong học tập và thi cử.