Thủ tướng: "Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới 3 năm qua"
(Dân trí) - Ngoài giá trị nền kinh tế đạt 409 tỷ USD, Việt Nam ký 15 Hiệp định Thương mại tự do, có quan hệ với hơn 60 nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ rất tự hào khi thương hiệu quốc gia đạt 431 tỷ USD.
Những minh chứng về nỗ lực vượt khó của Việt Nam được người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Phạm Minh Chính, chia sẻ trong cuộc gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, chiều 19/5.
Đây là lịch trình đầu tiên của Thủ tướng ngay sau khi ông vừa đặt chân tới Hiroshima trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản.
Mối lương duyên Việt Nam - Nhật Bản
Chia sẻ với người đứng đầu Chính phủ, GS.TS Trần Đắc Xuân, Chủ tịch hội người Việt tại vùng Nam Trung (Nhật Bản), kiến nghị Thủ tướng đẩy mạnh trao đổi với Chính phủ Nhật Bản, sớm miễn giảm thuế thu nhập cho thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản; luật hóa sớm các chính sách đất đai tại Việt Nam với kiều bào, đơn giản hóa thủ tục trong việc xin đề tài nghiên cứu khoa học tại Việt Nam, cũng như tăng hơn nữa số tiền dành cho nghiên cứu khoa học hàng năm.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Fukuoka Nguyễn Duy Anh (Hiệu trưởng Học viện Nhật ngữ GAG ở Fukuoka) chia sẻ một mong muốn về việc có phố người Việt đầu tiên tại Fukuoka, đồng thời mong Chính phủ giúp đỡ, đồng hành để hiện thực hóa việc này.
Nói thêm về việc khởi nghiệp sáng tạo, Chủ tịch Hội Doanh nhân Khởi nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản Cấn Thanh Huyền nhấn mạnh đây là vấn đề thế hệ trẻ Việt Nam rất quan tâm bởi khởi nghiệp không chỉ mang lại cơ hội kinh doanh, mà còn là công cụ gắn kết cộng đồng.
Nữ doanh nhân trẻ mong Thủ tướng trong cuộc gặp với lãnh đạo nước sở tại, sẽ đề xuất tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khởi nghiệp tại Nhật.
Chia sẻ xúc động và sự cảm nhận khác biệt khi tiếp xúc với cộng đồng người Việt tại Hiroshima lần này hầu hết là những người rất trẻ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những tâm huyết, trách nhiệm của kiều báo với quê hương, đất nước. Theo Thủ tướng, điều đó thể hiện sự năng động, linh hoạt và bản sắc của dân tộc Việt Nam.
Nhắc đến mối lương duyên với Nhật Bản kể từ khi Nhật Bản giúp Việt Nam xây dựng phố cổ Hội An, người đứng đầu Chính phủ khẳng định đây là mối giao lưu văn hóa, kinh tế đầu tiên giữa hai nước. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, mối lương duyên ấy dù có biến động qua từng thời kỳ, song có lẽ chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Mối lương duyên ấy cũng được Thủ tướng dẫn chứng khi chỉ trong hơn một năm Thủ tướng Nhật Kishida Fumio nhậm chức, ông và người đồng cấp đã có 5 cuộc gặp song phương (dự kiến lần thứ 6 diễn ra ngày mai - 20/5).
"Lần nào gặp cũng đầy ắp công việc phải bàn và lúc nào cũng thấy cần gặp nhau bàn về công việc của hai đất nước, bàn về những dự án và chương trình hợp tác", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự hợp tác giữa hai nước không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.
Giá trị thương hiệu quốc gia đạt 431 tỷ USD
Nhật Bản là quốc gia tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, những vị trí này cho thấy tầm quan trọng trong mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.
Ông khẳng định có nhiều chương trình nhằm tiếp tục thắt chặt mối quan hệ này, bởi khi quan hệ hai nước tốt đẹp, công dân của hai nước cũng có điều kiện tốt hơn trong làm ăn, học tập và sinh sống.
Nhắc nhở thế hệ trẻ cần luôn hướng về quê hương, đất nước, có nguyện vọng, nỗ lực cống hiến cho đất nước, Thủ tướng khẳng định Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài có điều kiện sinh sống, làm việc bình đẳng ở các quốc gia.
Khái quát về tình hình đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại sau 30 năm chiến tranh, Việt Nam lại tiếp tục bị bao vây cấm vận và đến năm 1986 mới bắt đầu đổi mới. Khi đó, nền kinh tế Việt Nam chỉ có 4 tỷ USD, bình quân đầu người chỉ 100 USD.
"Tại Hội nghị ASEAN vừa rồi ở Indonesia, tôi có trao đổi vấn đề này. Một số nguyên thủ quốc gia ASEAN chia sẻ lúc bấy giờ nền kinh tế một số nước ASEAN gấp 100 lần chúng ta, bình quân đầu người gấp 20-30 lần. Nhưng nay, nền kinh tế Việt Nam đã đạt 409 tỷ USD. Chúng ta ký 15 hiệp định thương mại tự do và có quan hệ thương mại với hơn 60 nước trên thế giới. Bình quân đầu người đạt 4.110 USD", Thủ tướng nêu kết quả.
Lãnh đạo Chính phủ cũng chia sẻ rất tự hào khi thương hiệu quốc gia năm 2022 đạt 431 tỷ USD, và Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới trong 3 năm qua. Liên Hợp quốc cũng xếp Việt Nam tăng 12 bậc về chỉ số hạnh phúc.
"Những chỉ số đó là khách quan, nói lên sự cố gắng, nỗ lực của dân tộc ta, trong đó có sự đóng góp của kiều bào", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Theo ông, uy tín và vị thế của đất nước còn thể hiện rõ qua việc được Nhật Bản mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh mở rộng G7 lần này. Trong khối ASEAN, chỉ có Việt Nam và Indonesia được mời dự Hội nghị với tư cách khách mời.
Nhìn lại chặng đường đã đi qua, Thủ tướng cho rằng trước kia Việt Nam bị bao vây cấm vận nhưng giờ đã vươn lên, cùng trao đổi bình đẳng với các quốc gia lớn trên thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các ý kiến hướng đến việc đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Theo lãnh đạo Chính phủ, muốn phát triển nhanh, bền vững phải dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ông khẳng định lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ có trách nhiệm tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất cho người Việt ở nước ngoài làm ăn, học tập, sinh sống và cống hiến cho đất nước.
Hiện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản có gần 480.000 người, theo thống kê của Bộ Tư pháp Nhật Bản đến tháng 6/2022).
Người Việt Nam hiện sinh sống, làm việc và học tập trên khắp 47 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Nhật Bản, trong đó chủ yếu tập trung tại tỉnh Aichi (hơn 40.000 người) Tokyo (hơn 36.000 người) và các tỉnh Osaka (hơn 35.000 người), Saitama (gần 26.000 người), Chiba (khoảng 20.000 người), Fukuoka (gần 20.000 người).
Hoài Thu (từ Hiroshima, Nhật Bản)