Thủ tướng lên đường tới Nhật Bản dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng
(Dân trí) - Việt Nam là một trong hai nước Đông Nam Á được Nhật Bản mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm 2023. Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự cả 3 phiên thảo luận tại hội nghị.
8h sáng 19/5, chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời sân bay Nội Bài để tới Hiroshima, Nhật Bản. Theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng với tư cách khách mời.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có lịch trình làm việc tại Nhật Bản từ ngày 19/5 đến 21/5.
Đoàn đại biểu chính thức tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác gồm: Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc; Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành; Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu.
Nhóm G7 được thành lập vào năm 1976, là một liên minh gồm 7 nước có nền công nghiệp tiên tiến: Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Italy.
Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần thứ 49 diễn ra từ ngày 19 đến 22/5 tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Đây là hội nghị đa phương quan trọng, diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế, an ninh thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động nhiều mặt đến môi trường an ninh và phát triển của các nước.
Hội nghị được Nhật Bản đăng cai tổ chức trong vai trò Chủ tịch Nhóm G7 năm 2023, đồng thời Nhật cũng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2024.
Diễn ra trong hai ngày 20 và 21/5, Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay gồm 3 phiên, với các chủ đề: "Hợp tác xử lý đa khủng hoảng" (tập trung vào các chủ đề lương thực, y tế, phát triển, bình đẳng giới); "Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững" (tập trung vào các chủ đề khí hậu, môi trường và năng lượng) và "Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng" (tập trung vào các chủ đề hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, hợp tác đa phương).
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự cả 3 phiên này.
Khách mời của Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay gồm lãnh đạo cấp cao của 8 quốc gia (Việt Nam, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Comoros, Quần đảo Cook và Ukraine) và 6 tổ chức quốc tế (Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á).
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho rằng việc Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần này là dấu mốc quan trọng để nâng cấp quan hệ đối tác giữa hai nước lên một tầm cao mới, đồng thời tạo động lực thúc đẩy cho tiến trình này.
Một trong những điểm nhấn trong chương trình chuyến công tác là Tọa đàm Kinh doanh Việt Nam - Nhật Bản với sự tham dự của hơn 50 tổ chức kinh tế, hiệp hội và doanh nghiệp Nhật Bản.
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này truyền tải thông điệp về một Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất. Việt Nam cũng đồng thời tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm với hòa bình, phát triển và các quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.
Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011). Nhật Bản cũng là quốc gia tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước đạt trên 10,6 tỷ USD. Hiện Nhật Bản có 5.050 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 69,4 tỷ USD - đứng thứ 3 trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.