Thủ tướng tới Hiroshima, chuẩn bị lịch trình dày đặc tại Nhật Bản

Hoài Thu

(Dân trí) - Bên cạnh việc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có lịch trình làm việc dày đặc tại Nhật Bản, tiếp xúc với nhiều lãnh đạo và các tổ chức quốc tế.

Trưa 19/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến sân bay Hiroshima, Nhật Bản, chuẩn bị tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản.

Thủ tướng tới Hiroshima, chuẩn bị lịch trình dày đặc tại Nhật Bản - 1

Chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính hạ cánh xuống sân bay Hiroshima, Nhật Bản (Ảnh: Đoàn Bắc).

Nhiều hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc tại Nhật Bản

Hoạt động đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tại Nhật Bản là gặp gỡ cộng đồng người Việt tại quốc gia này. 

Sau đó Thủ tướng sẽ tiếp lãnh đạo 3 Hội Hữu nghị Việt Nam tại Hiroshima; hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol; tiếp doanh nghiệp Nhật Bản và dự Lễ công bố mở đường bay Hà Nội/TPHCM - Hiroshima của Công ty Vietjet. 

Trước khi dự Lễ đón chính thức và tham dự các phiên thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng vào ngày 20/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến hội kiến Tổng thống Liên bang Coromos Azli Assoumani; tiếp các doanh nghiệp Nhật Bản như Tập đoàn AEON, đoàn doanh nghiệp vùng Trung Nam Nhật Bản, Công ty Thăm dò và khai thác dầu khí Mitsui; tiếp Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF Kristalina Georgivea và tiếp Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann; gặp Thủ tướng Ấn Độ.

Thủ tướng tới Hiroshima, chuẩn bị lịch trình dày đặc tại Nhật Bản - 2

Đoàn đón Thủ tướng tại sân bay (Ảnh: Đoàn Bắc).

Trong khuôn khổ Hội nghị G7 mở rộng, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam sẽ dự phiên thảo luận "Cùng hợp tác giải quyết đa khủng hoảng"; dự sự kiện về sáng kiến đối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu của G7; dự phiên thảo luận "Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững"...

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có lịch trình hoạt động dày đặc trong ngày cuối cùng làm việc ở Nhật Bản, với việc tham dự phiên thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, gặp gỡ, tiếp xúc nhiều lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng sẽ dự và phát biểu tại Tọa đàm Kinh doanh Việt Nam - Nhật Bản với sự tham dự của hơn 50 tổ chức kinh tế, hiệp hội và doanh nghiệp Nhật Bản.

Chuyến công tác làm việc tại Nhật của Thủ tướng Phạm Minh Chính được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường hơn nữa sự tin cậy, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản ngày càng phát triển, đồng thời thúc đẩy các nội dung hợp tác trọng tâm như kinh tế, thương mại, đầu tư, ODA thế hệ mới, cơ sở hạ tầng chất lượng cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng...

Thủ tướng tới Hiroshima, chuẩn bị lịch trình dày đặc tại Nhật Bản - 3

Đại diện phía Nhật Bản đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sân bay Hiroshima (Ảnh: Đoàn Bắc).

Thủ tướng tới Hiroshima, chuẩn bị lịch trình dày đặc tại Nhật Bản - 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao tới Hiroshima, Nhật Bản để chuẩn bị tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng (Ảnh: Đoàn Bắc).

Tầm quan trọng của Việt Nam với "xứ sở hoa anh đào"

Hội nghị Thượng đỉnh G7 được tổ chức hàng năm, tập trung trao đổi, thúc đẩy, giải quyết các vấn đề toàn cầu từ kinh tế, chính trị, xã hội, gồm tài chính, tăng trưởng, công nghệ, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, dịch bệnh, bình đẳng giới, các điểm nóng, xung đột trên toàn cầu…

Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G7, Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng được tổ chức nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự tham dự và đóng góp của các nước đang phát triển, đẩy mạnh quan hệ đối tác của G7 với các nước đang phát triển trong giải quyết những thách thức toàn cầu.

Thủ tướng tới Hiroshima, chuẩn bị lịch trình dày đặc tại Nhật Bản - 5

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính từ ngày 22 đến 25/11/2021 (Ảnh: VGP).

Sau 3 phiên thảo luận về Hợp tác xử lý đa khủng hoảng, Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững và Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng, Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng sẽ lần đầu tiên thông qua một văn kiện chung, đó là "Chương trình hành động Hiroshima về an ninh lương thực toàn cầu tự cường".

Ông Matsumoto Nobuyuki - Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) - nhìn nhận việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam đối với xứ sở hoa anh đào trong bối cảnh kim ngạch thương mại song phương đã tăng gần gấp đôi trong thập kỷ qua - vượt xa tốc độ tăng trưởng thương mại của Nhật Bản với phần còn lại của thế giới (25%).

Trong khi đó, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đánh giá đây là dấu mốc quan trọng để nâng cấp quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Nhật Bản lên một tầm cao mới, đồng thời tạo động lực thúc đẩy cho tiến trình này.

Đây là lần thứ 3 Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và là lần thứ hai theo lời mời của Nhật Bản. Việt Nam cũng là một trong hai nước Đông Nam Á được Nhật Bản mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay.

Điều này khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp của Việt Nam cho nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hợp tác, duy trì tăng trưởng và giải quyết các thách thức chung của cộng đồng quốc tế.

Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng. Nhật Bản là nước G7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Việt Nam đi thăm (năm 1995); nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009); nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (năm 2011); nước G7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng (5/2016).

Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và cũng là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.

Hoài Thu (từ Hiroshima, Nhật Bản)