Thủ tướng: Trong đại dịch, Việt Nam là điểm tựa lương thực cho nhiều nước
(Dân trí) - Thủ tướng cho rằng, trong đại dịch của thế giới, nông nghiệp Việt Nam bảo đảm an ninh lương thực trong nước, trở thành điểm tựa an ninh lương thực cho nhiều quốc gia, xuất khẩu nông nghiệp rất cao.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 vào chiều 24/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp.
Năm 2020 cũng như 5 năm qua, thiên tai, nhân tai, dịch bệnh ảnh hưởng vô cùng nặng nề đến nông nghiệp, nhưng đây cũng là năm đầy bản lĩnh và thắng lợi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, Việt Nam có thể đạt tăng trưởng GDP xấp xỉ 3% (năm 2020), theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), là mức cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trên thế giới, có khoảng 1 tỷ người thiếu đói, một số nước công nghiệp phải cứu trợ hàng triệu người với dòng xe xếp hàng nhiều cây số. Cảnh xếp hàng chờ lương thực ở một số nước như vậy khiến chúng ta suy ngẫm, tự hào về phát triển nông nghiệp Việt Nam. Thủ tướng cho rằng, trong đại dịch của thế giới (dịch Covid-19), nông nghiệp Việt Nam bảo đảm an ninh lương thực trong nước, trở thành điểm tựa an ninh lương thực cho nhiều quốc gia, xuất khẩu nông nghiệp đạt rất cao; đặc biệt là sự lên ngôi của lúa gạo Việt Nam, vượt cả Thái Lan, Ấn Độ, soán ngôi số 1 thế giới về giá bán.
Nông nghiệp Việt Nam trong khó khăn một lần nữa cho thấy vai trò sống còn trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, một lần nữa khẳng định tiếp tục làm bệ đỡ của nền kinh tế quốc dân.
Năm 2020, ngành nông nghiệp đã thích ứng tốt với đại dịch, với thiên tai, sản xuất nông lâm thủy sản vẫn duy trì, phát triển, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho tiêu dùng của gần 100 triệu dân và phục vụ xuất khẩu.
Thủ tướng đánh giá cao ngành nông nghiệp hoàn thành 4 chỉ tiêu quan trọng:
Tăng trưởng GDP toàn ngành trên 2,65%.
Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 41,2 tỷ USD (tăng 2,5% so với năm 2019). Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ USD; 5 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD, đặc biệt là gỗ đạt trên 12,8 tỷ USD, tôm 3,66 tỷ USD, rau quả 3,35 tỷ USD, hạt điều 3,24 tỷ USD và gạo 3,07 tỷ USD.
Tỷ lệ che phủ của rừng đạt 42%.
Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới đạt trên 62%, vượt xa mục tiêu đề ra (mục tiêu đến năm 2020 là 50%).
Công tác chỉ đạo và điều hành của Bộ sát sao, đúng và trúng. Đặc biệt Bộ trưởng rất sâu sát, kịp thời tham mưu, kịp thời xử lý, nhất là những vấn đề nhạy cảm.
Xây dựng nông thôn mới vượt trước kế hoạch đề ra. Thủ tướng cho rằng, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, nhiều nơi "phố trong làng" đã xuất hiện, quan trọng hơn nữa là đời sống nhân dân được cải thiện rõ nét. Kể lại câu chuyện đến Hải Dương dự ngày hội đại đoàn kết dân tộc vừa qua, Thủ tướng chia sẻ, "thấy nông thôn mà toàn nhà lầu xe hơi".
Tại hội nghị, Thủ tướng trân trọng biểu dương, đánh giá cao lãnh đạo Bộ NN&PTNT, các địa phương, các cấp, các ngành có liên quan vượt khó, đổi mới sáng tạo, đóng góp quan trọng của thành tích chung của cả nước. Đặc biệt bà con nông dân chịu thương chịu khó vượt qua thiên tai, lũ dữ, bão lớn, dầm mưa, dãi nắng để cùng Chính phủ, các bộ, ngành vượt qua khó khăn để có thành công ngày hôm nay.
Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ ra một số tồn tại, "thấy mừng mà cũng thấy lo" là tăng trưởng ngành nông nghiệp chưa thực sự bền vững, nhất là khi chịu tác động của các cú sốc thiên tai, dịch bệnh. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản, giao thông nông thôn còn nhiều bất cập so với yêu cầu. Thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân còn thấp so với khu vực thành thị. Lao động nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lao động xã hội. Cho rằng tình trạng phá rừng tự nhiên còn diễn ra, Thủ tướng nêu rõ, phải xử lý nghiêm hành vi này, bất kể là ai, không có vùng cấm...