Thủ tướng: TPHCM chậm nhất là cải thiện vấn đề ngập, gây bức xúc
(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định tình trạng ô nhiễm môi trường, ngập úng còn gây ra bức xúc, nhưng chậm cải thiện, nhất là ở TPHCM.
Sáng 10/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục chủ trì buổi làm việc Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ 4 sau hội nghị về kết quả kinh tế - xã hội và thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội, diễn ra cùng ngày.
Chủ trì hội nghị còn có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Bên cạnh việc đánh giá cao về kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các bộ ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định vẫn còn nhiều nhiệm vụ cần nỗ lực hơn.
Đông Nam Bộ tiếp tục dẫn đầu cả nước khi có tổng số hơn 20.000 dự án và 187,4 tỷ USD vốn. TPHCM là địa phương đứng đầu chiếm 32% tổng số dự án nêu trên. Về tăng trưởng, Thủ tướng nhận định vùng Đông Nam Bộ cũng là khu vực có động lực tăng trưởng xuất khẩu rất cao.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, tăng trưởng kinh tế vùng đạt 5,58% thấp hơn bình quân cả nước, chỉ cao hơn Tây Nguyên (3,86%) là vấn đề cần lưu ý.
"Lý do chủ quan khách quan sau dịch Covid-19, chúng ta cần thời gian phục hồi. Khả năng chống chịu vùng của chúng ta cũng có hạn, có nhiều điểm phân bổ chưa hợp lý. Tình trạng ô nhiễm môi trường, ngập úng còn bức xúc nhưng chậm cải thiện, nhất là ở TPHCM", Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra.
Ông đề nghị các cơ quan, bộ ngành có sự phối hợp, nhận diện vấn đề và phân tích kỹ để đưa ra quyết sách chính trị giải quyết kịp thời.
"Không hợp thức hóa cái sai mà giải quyết công việc dựa trên thực tiễn. Ca trực này của chúng ta có những ca cấp, bệnh nan y kéo dài, đã lâm sàng phát hiện rồi, phải mổ ra để cứu", lãnh đạo Chính phủ phân tích.
Mặt khác, Thủ tướng nhận định liên kết vùng thời gian qua đã có hình thành nhưng chưa thực sự hiệu quả, sắp tới, ông yêu cầu các bộ ngành chủ động giải quyết vấn đề này, phản ứng chính sách kịp thời.
Cụ thể từ nay đến cuối năm, Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị, các địa phương rà soát lại chỉ tiêu, mục tiêu của năm 2024, của các cấp, đại hội XIII, Bộ Chính trị, tập trung hoàn thành, thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đáp ứng được thị trường lao động, kiểm soát được nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài.
Thủ tướng yêu cầu các đơn vị xúc tiến triển khai công tác quy hoạch thông qua kế hoạch thực hiện quy hoạch. Đặc biệt là TPHCM khẩn trương trình để duyệt quy hoạch.
"Quy hoạch rất đồ sộ, nhiều thời gian công sức, kế thừa thành quả. Không cầu toàn, không nóng vội, vừa làm vừa rút kinh nghiệm mở rộng dần", người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị, bộ ngành, địa phương chú ý, tập trung, đẩy mạnh đầu tư chuyển đổi số, đổi mới khoa học công nghệ, bắt kịp xu thế toàn cầu để phát triển đột phá gắn với bền vững.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sau 7 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ đạt 5,58%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước. Mức này chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên với 3,86%, đóng góp 38% ngân sách, đứng thứ hai cả nước, sau vùng Đồng bằng Sông Hồng.
Theo ông Dũng, hồi giữa tháng 5, Hội đồng điều phối vùng đã có phiên họp lần 3 tại tỉnh Tây Ninh, sau 2 tháng đã hoàn thành 3 nhiệm vụ. Cụ thể, Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đã bổ sung quy hoạch Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài.
Ngoài ra, các thành viên hội đồng đã hoàn thành 28/41 nhiệm vụ được giao tại kế hoạch triển khai nhiệm vụ điều phối vùng năm 2023. Và hoàn thành 5/30 nhiệm vụ được giao hoàn thành trong năm 2023 tại chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24.