1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thủ tướng: “Tôi sẽ tiếp tục đảm nhiệm công việc đã làm”

(Dân trí) – “Tôi không chạy cũng không xin, không thoái thác bất cứ nhiệm vụ nào Đảng và nhà nước đã phó thác. Tôi sẽ tiếp tục công tác như tôi đã làm 51 năm qua” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời câu hỏi của đại biểu về quan điểm xin lỗi và từ chức.

Mở đầu phiên chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, của cá nhân Thủ tướng trong điều hành để nền kinh tế đạt được kết quả đáng biểu dương trong bối cảnh khủng hoảng của thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn khuyết điểm yếu kém điều hành của Chính phủ như Thủ tướng đã nhận trước Quốc hội trong ngày khai mạc.

Bà Hương đề nghị người đứng đầu Chính phủ trình bày giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém đó.
 
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương: Giải pháp nào khắc phục những hạn chế yếu kém Thủ tướng đã nhận?.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương: "Giải pháp nào khắc phục những hạn chế yếu kém Thủ tướng đã nhận?".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trần tình, phiên khai mạc kỳ họp, với trọng trách được Đảng, người dân tin cậy, giao phó, với tư cách của Uỷ viên Bộ Chính trị, ông Dũng đã nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm chính trị về tất cả những hạn chế yếu kém khuyết điểm trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó có yếu kém, khuyết điểm về việc giám sát kiểm tra hoạt động của các tập đoàn kinh tế, TCty, DNNN. Khi đó, Thủ tướng đã hứa sẽ làm hết sức mình để khắc phục hạn chế yếu kém này nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ hiện đang triển khai các giải pháp, nhiệm vụ đó. “Chúng tôi đã thực hiện nhiều giải pháp có thể nói là đồng bộ để khắc phục những hạn chế khuyết điểm yếu kém để nâng cao năng lực điều hành của mình” – người đứng đầu Chính phủ quả quyết.

Theo đó, có 3 nhóm giải pháp được Thủ tướng nhấn mạnh. Trước hết là nâng cao năng lực trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế cơ chế luật pháp cũng như việc thực thi thể chế này. Theo Thủ tướng, đây là một lĩnh vực hạn chế yếu kém của Chính phủ. Các cơ chế thể chế Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành hoặc trực tiếp ban hành có thực tế là sớm phải sửa đổi bổ sung.

Có những thể chế, pháp luật đã có nhưng phải chờ nghị định, thậm chí khi ban hành nghị định lại không phù hợp hoặc tổ chức thực hiện không hiệu quả. Ngoài ra, có những thể chế, quy định chậm được sửa đổi bổ sung. Những quy định cần xây dựng để ngăn chặn bất cập nảy sinh cũng rất chậm chạp.

Nhóm giải pháp thứ 2 là nâng cao năng lực dự báo, đánh giá tình hình và năng lực phản ứng chính sách trong điều kiện thị trường quốc tế ngày càng sâu rộng và đưa ra cơ chế chính sách phù hợp hiệu quả trong điều kiện thị trường đầy biến động bất trắc.

Thủ tướng thừa nhận: “Năng lực này cũng chưa được đáp ứng, chúng tôi đang cố gắng khắc phục”.

Nhóm giải pháp thứ 3 là nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý trong việc xây dựng kế hoạch, quy hoạch chiến lược. Thủ tướng Chỉnh phủ thắng thắn nhìn nhận, ngay trong việc xây dựng quy hoạch kế hoạch hiện cũng đã không phù hợp, dẫn đến tình trạng lãng phí đầu tư, cản trở tiến trình cơ cấu nền kinh tế.

Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định đã tập trung tăng cường kỷ luật kỷ cương trong quản lý, như việc giám sát kiểm tra các tập đoàn kinh tế. Thủ tướng nhắc lại việc nghiêm túc nhận trách nhiệm về vấn đề này và hứa sẽ cố gắng cải thiện.

Hướng tới mục tiêu này, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện bộ máy hành chính các cấp vì sức mạnh trước hết nằm ở tổ chức, để không có việc nào mà không có người chịu trách nhiệm hoặc có những việc đến 2-3 người phụ trách mà không biết xác định trách nhiệm cho ai. Nguyên tắc cải cách bộ máy tới đây là làm sao phân công lại nhiệm vụ để đề cao được trách nhiệm, nâng cao được sức năng động của cán bộ lãnh đạo các cấp.
 
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương: Giải pháp nào khắc phục những hạn chế yếu kém Thủ tướng đã nhận?.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Tôi không chạy, không xin cũng không thoái thác bất cứ nhiệm vụ nào Đảng giao".

“Bên cạnh những việc làm được, làm tốt của Chính phủ, đóng góp vào thành tựu chung cũng còn những hạn chế yếu kém trong điều hành trên tất cả các lĩnh vực mà tôi đã nhận. Để khắc phục những hạn chế này, nâng cao năng lực điều hành, Chính phủ đã nghiêm túc có những chương trình kế hoạch cụ thể để nâng cao hiệu lực hiệu quả điều hành, trong đó tập trung vào những vấn đề đã nói, với tinh thần hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2013, kế hoạch năm năm mà Quốc hội đã đề ra…” – Thủ tướng chốt lại nội dung này.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) tiếp thêm một truy vấn về trách nhiệm. Ông Quốc đặt vấn đề, trước kỳ họp, toàn dân đều được chứng kiến các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, trong đó có Thủ tướng đã có lời xin lỗi và xin Trung ương Đảng kỷ luật. Còn tại Quốc hội, Thủ tướng chỉ xin lỗi về trách nhiệm chính trị liên quan đến một số tập đoàn Nhà nước, khiến người dân tự đặt câu hỏi, dường như Thủ tướng xem nhẹ trách nhiệm trước dân hơn trước Đảng.

Tuy nhiên, đại biểu đánh giá, việc Thủ tướng có lời xin lỗi trước Quốc hội cũng là một điều đáng ghi nhận. Nhưng nhìn ở góc độ khác, việc xin lỗi - một hành vi văn hóa rất đáng khích lệ trong dân - cần được giới hạn trong mối quan hệ giữa bộ máy công quyền với người dân.

“Không thể xin lỗi việc chậm trễ giờ bay của ngành hàng không mà bỏ qua những chế tài xử phạt đã quy định nếu gây thiệt hại cho khách hàng. Khách nước ngoài họ gọi hàng không nước ta là Sorry Airlines là vì thế. Việc làm cho dân hiểu là Nhà nước tạo độc quyền vàng cho SJC khiến dân bất an và chịu thiệt thòi kéo dài để rồi Thống đốc ngân hàng xin lỗi vì đã không giải thích rõ khiến dân hiểu lầm v.v... Đã đến lúc phải đề cao trách nhiệm pháp luật, chứ không chỉ là lời xin lỗi. Phải chăng Thủ tướng nên nhân dịp này thể hiện quyết tâm sửa chữa của mình bằng cách khởi động cho một cuộc phấn đấu Chính phủ hướng tới đoạn tuyệt với lời xin lỗi, thay bằng một tập quán phù hợp với xã hội hiện đại là văn hóa từ chức với một lộ trình để quan chức của ta từng bước làm được điều mà các quốc gia tiên tiến vẫn làm?” – ông Quốc lập luận.

Ông Quốc viện dẫn lịch sử, thế hệ cha ông coi việc quan hồi hương là một cách giữ tiết tháo. Đảng cũng đã từng có một Tổng bí thư - người có công lớn với Cách mạng tháng Tám 1945, sau khi nhận trách nhiệm chính trị về những sai lầm trong cải cách ruộng đất 1956 đã từ chức và tiếp tục phấn đấu để rồi ba thập kỷ sau trở lại với cương vị Tổng bí thư, kịp góp phần khởi động công cuộc đổi mới.

Ông Quốc nhắc lại câu hỏi với Thủ tướng khi có ý kiến cho rằng, Thủ tướng đang “nặng trách nhiệm với Đảng, nhẹ trách nhiệm với dân” cũng như quan điểm về việc hướng tới văn hóa từ chức để “đoạn tuyệt” với lời xin lỗi.
 
Đại biểu Dương Trung Quốc: Thủ tướng đang nặng trách nhiệm với Đảng, nhẹ trách nhiệm với dân?.
Đại biểu Dương Trung Quốc: "Thủ tướng đang nặng trách nhiệm với Đảng, nhẹ trách nhiệm với dân?".

Trả lời câu hỏi “hóc” này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ, với cá nhân mình, hôm nay (14/11/2012), chỉ còn 3 ngày nữa tròn 51 năm theo Đảng.

Thủ tướng khẳng định bản thân không xin Đảng cho đảm nhiệm chức vụ này hay chức vụ khác, mặt khác ông cũng không từ chối thoái thác bất cứ nhiệm vụ nào Đảng giao phó. Là một Đảng viên, Thủ tướng cũng tự tin cho rằng đã nghiêm túc báo cáo với Đảng, với Bộ Chính trị, BCH TƯ về bản thân mình.

“Đảng đã hiểu rõ về tôi, cả ưu khuyết điểm, phẩm chất đạo đức, năng lực, khả năng, sức khỏe cũng như thương tật, tâm tư nguyện vọng. Đảng đã quyết định phân công tôi ứng cử làm nhiệm vụ Thủ tướng và Quốc hội đã bỏ phiếu bầu tôi, tôi nghiêm túc chấp hành quyết định của cơ quan quyền lực cao nhất với tôi” – người đứng đầu Chính phủ lập luận.

Thủ tướng cho rằng, có thể nói gần suốt cả cuộc đời ông đã theo Đảng và tái khẳng định bản thân không chạy cũng không xin, không thoái thác bất cứ nhiệm vụ nào Đảng và nhà nước đã phó thác.

Người đứng đầu Chính phủ kết lại: “Tôi sẽ tiếp tục công tác như tôi đã làm 51 năm qua”.
 
Clip đại biểu chất vấn, Thủ tướng trả lời về việc nhận lỗi trước Quốc hội.
 
Tiếp theo phần chất vấn về trách nhiệm, đúng như chờ đợi, vấn đề thủy điện, an toàn thủy điện Sông Tranh 2 làm nóng Quốc hội 2 ngày qua tiếp tục được đề cập, chất vấn Thủ tướng.

Đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) nêu yêu cầu muốn nghe thông tin trực tiếp từ Thủ tướng về chủ trương để khắc phục khuyết điểm của những thủy điện gây bất cập cho nhân dân thời gian qua, trong đó có thủy điện Sông Tranh 2.

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng khẳng định, thời gian qua, thủy điện đã đóng góp 41% cho tổng sản lượng điện của cả nước. Những năm qua cả nước đủ điện để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất, nhu cầu đời sống của nhân dân có đóng góp lớn của thủy điện.
 
Chủ trương khai thác thủy điện, Thủ tướng khẳng định luôn nhắc các Bộ chức năng, phải thực hiện yêu cầu, thực hiện quy định của pháp luật trong lập dự án, xây dựng dự án, thẩm định, quá trình thi công, xây dựng cho tới vận hành phải thực hiện nghiêm túc.
Đại biểu Thích Thanh Quyết: Cách nào khắc phục khuyết điểm thủy điện gây bức xúc cho dân?
Đại biểu Thích Thanh Quyết: "Cách nào khắc phục khuyết điểm thủy điện gây bức xúc cho dân?" (Ảnh: Báo Quảng Ninh).

Chính phủ cũng yêu cầu rà soát toàn bộ quy hoạch thủy điện trong cả nước, đã tiến hành rà soát lần thứ hai các dự án trong quy hoạch, nếu không đảm bảo các yêu cầu nêu trên thì loại bỏ khỏi quy hoạch. Tinh thần là phát huy tiềm năng lợi thế để xây dựng phát triển đất nước, nhưng nếu không đảm bảo yêu cầu nêu trên, tức không có lợi, tức lợi bất cập hại thì loại khỏi quy hoạch. Qua hai lần rà soát, Bộ trưởng Công thương cho biết đã đưa ra khỏi quy hoạch 107 dự án.

Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định đã quản lý chặt chẽ việc xây dựng mới các dự án thủy điện. Thủ tướng dẫn chứng dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A – một dự án tiềm năng thủy điện lớn, được đưa vào quy hoạch. Tuy nhiên, khi xây dựng dự án, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tiến hành thẩm định một cách chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, nếu không đạt yêu cầu thì không làm.

Đối với thủy điện Sông Tranh, Thủ tướng thông tin, tại kỳ họp này, UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã thực hiện giám sát thủy điện Sông Tranh và có báo cáo gửi đại biểu. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Trịnh Đình Dũng đã có giải trình thêm trước Quốc hội.

Đến thời điểm này, các chuyên gia, chuyên ngành trong nước, cả 2 công ty tư vấn hàng đầu của Nhật, Thụy Sĩ báo cáo đập thủy điện sông Tranh bảo đảm an toàn. Các Bộ chức năng như Công thương, Xây dựng, Khoa học - Công nghệ, Hội đồng nghiệm thu nhà nước, Viện Vật lý địa cầu, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam cũng đều báo cáo thủy điện này an toàn.

“Nhưng để chắc chắn hơn, đảm bảo an toàn cho dân cần phải làm các việc: không tích nước, lập tổ công tác ứng trực tại thủy điện Sông Tranh, thuê chuyên gia tư vấn hàng đầu quốc tế; tiếp tục tổ chức hội thảo lắng nghe ý kiến chuyên gia, công bố công khai thường xuyên cách ứng phó với động đất” – Thủ tướng nhấn mạnh.
P.Thảo
Ảnh: Việt Hưng