Thủ tướng thay mặt Chính phủ cảm ơn Quốc hội đã cơ bản đồng tình các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, thông qua các Nghị quyết về chỉ tiêu kinh tế xã hội cơ bản cho năm tới.
Điểm lại những kết quả kinh tế xã hội năm 2012 đã đạt được cho đến thời điểm này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, những kết quả này sẽ tạo tiền đề để Chính phủ tiếp tục điều hành hoàn thành kế hoạch năm như đã báo cáo Quốc hội và chuẩn bị cho năm tới.
Thủ tướng nêu con số thống kê, đến thời điểm này nhận được 175 phiếu chất vấn với hơn 200 câu hỏi gửi đến Chính phủ, trong đó có 5 phiếu với 11 câu chất vấn trực tiếp Thủ tướng.
Các vấn đề mà 4 Bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp đăng đàn trả lời chất vấn cũng như 1 Phó Thủ tướng và 4 Bộ trưởng khác trả lời thêm tại nghị trường 2 ngày qua, Thủ tướng khẳng định cũng là những việc Chính phủ cần và sẽ tập trung thực hiện thời gian tới.
Tuy nhiên tình hình năm tới, Thủ tướng nhận định còn rất nhiều khó khăn, cả nước phải đối đầu nhiều thách thức.
“Hội nghị các nền kinh tế mới nổi vừa qua đã đưa ra dự báo tiêu cực về năm 2013. Các chuyên gia cho rằng các gói kích thích kinh tế trên toàn cầu chưa đủ đưa thế giới ra khỏi suy thoái, không chỉ ở khu vực Châu Âu mà cả Mỹ và cả nền kinh tế thế giới, ảnh hưởng tới việc làm và đời sống người dân” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Ở Việt Nam, bão số 8 vừa qua còn gây ảnh hưởng khá nặng nề đến kinh tế các tỉnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh phải kiên định các giải pháp đã tỏ ra đúng hướng vừa qua. Thủ tướng kêu gọi hành động khẩn trương, kịp thời khắc phục khó khăn, thách thức mới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận nhiều câu hỏi trực tiếp từ đại biểu (Ảnh: Việt Hưng)
Thủ tướng Chính phủ cho biết sẽ tăng cường điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định khó khăn, quản lý thu chi ngân sách chặt chẽ, giảm tối đa các khoản chi cho cán bộ đi công tác nước ngoài để yêu cầu lãnh đạo dành thời gian chỉ đạo thực thi nhiệm vụ.
Về kế hoạch điều hành cụ thể kinh tế xã hội năm 2013, Thủ tướng cho biết, sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp đã đề tra, kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo việc làm.
Nguyên tắc đề ra là đảm bảo chất lượng tăng trưởng, tăng cường kỷ luật kỷ cương, để cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện kế hoạch, tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao trong hành động năm 2013.
Nhiệm vụ trước mắt là giải quyết hàng tồn kho, giải cứu bất động sản và xử lý nợ xấu là những vấn đề liên quan trực tiếp với nhau. “Chính phủ coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của nền kinh tế” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, Thủ tướng nhấn mạnh quyết định điều chỉnh lương tối thiểu từ 1,05 tiệu đồng lên 1,15 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu bằng tỷ lệ tăng lương tối thiểu từ 1/7/2013.
“Chính phủ sẽ tiếp tục tìm kiếm nguồn lực để khi có điều kiện tiếp tục tăng lương theo sát lộ trình đã định” – Thủ tướng đồng thời hứa sẽ hỗ trợ tối đa người nghèo.
Về cơ cấu lại nền kinh tế, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã xây dựng Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, sẽ được thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước. Trong đó, Chính phủ đã tập trung triển khai 3 lĩnh vực: tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.
Về tái cơ cấu đầu tư, Chính phủ đã từng bước điều chỉnh cơ cấu đầu tư công theo hướng giảm dần tỷ trọng và nâng cao hiệu quả; kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Hoàn thiện cơ chế nhằm tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn giám sát trong việc bảo đảm chất lượng và tiến độ công trình, xử lý nghiêm các vi phạm. Đổi mới cơ chế phân bổ vốn đầu tư, thực hiện cân đối vốn đầu tư theo kế hoạch trung hạn; kiên quyết tập trung vốn cho các công trình dự án quan trọng, cấp thiết, sớm hoàn thành, đưa nhanh vào sử dụng để phát huy hiệu quả. Ưu tiên bố trí vốn cho các công trình đã hoàn thành, các công trình cần thiết phải hoàn thành trong năm 2013 và vốn đối ứng cho các dự án ODA.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA làm cơ sở cho việc vận động tài trợ; chỉ đạo sửa đổi cơ chế đầu tư theo các hình thức BT, BOT, PPP và các chính sách phí, thuế, giải phóng mặt bằng; tiến hành tổng kết 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài... để có cơ chế, chính sách hấp dẫn hơn, nhằm thu hút được nhiều nguồn vốn ngoài Nhà nước tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tăng năng lực sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ đang rà soát phân loại doanh nghiệp để quyết định tỷ lệ tham gia vốn của Nhà nước; điều chỉnh cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt và địa bàn quan trọng, cung cấp hàng hoá dịch vụ công thiết yếu, công nghiệp nền tảng, các ngành, lĩnh vực có công nghệ cao, sức lan toả lớn.
Tiếp tục sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo các phương án đã được phê duyệt; thực hiện lộ trình thoái vốn nhà nước ở những công ty cổ phần mà Nhà nước không cần chi phối.
Cùng với việc chấm dứt thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế, Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, đánh giá lại các tập đoàn, yêu cầu các tập đoàn thực hiện thoái vốn trong các ngành nghề không phải là ngành nghề kinh doanh chính. Khẩn trương phê duyệt đề án tái cơ cấu của từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Chuyển sang vấn đề cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, Thủ tướng cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính, tăng cường năng lực, cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu đối với từng loại hình tổ chức tín dụng phù hợp với tình trạng tài chính của từng tổ chức tín dụng.
"Chính phủ đã thực hiện giám sát hoạt động, thanh tra toàn diện và kiểm toán bắt buộc đối với 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém; yêu cầu từng ngân hàng này tự xây dựng và triển khai phương án cơ cấu lại theo đúng pháp luật và lộ trình cụ thể. Đến nay, đã sắp xếp được 6 ngân hàng và hoạt động của các ngân hàng này đã dần ổn định, quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm, Nhà nước không bỏ tiền bù đắp cho các tổ chức tín dụng này", Thủ tướng nhấn mạnh.
P.Thảo