Thủ tướng: Thực hiện "3 thông, 3 đột phá chiến lược"
(Dân trí) - Trong buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giải quyết nhiều kiến nghị nhằm thúc đẩy địa phương này phát triển nhanh, bền vững.
Nhiều chỉ số ấn tượng
Báo cáo tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ vào chiều 11/11, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đến nay, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Thanh Hóa bình quân hàng năm (giai đoạn 2021-2023) ước đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước.
Quy mô GRDP năm 2023 ước đạt hơn 279 nghìn tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020.
Thu ngân sách nhà nước hàng năm luôn vượt dự toán; tổng thu ngân sách giai đoạn 2021-2023 ước đạt hơn 132 nghìn tỷ đồng, trong đó năm 2022 đạt hơn 51 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 9 cả nước; 9 tháng năm 2023 ước đạt gần 29.000 tỷ đồng, bằng 81% dự toán.
Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2023 ước đạt hơn 409 nghìn tỷ đồng, gấp 1,25 lần giai đoạn 2016-2018; thu hút được 170 dự án đầu tư trực tiếp (có 22 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 38.000 tỷ đồng và 214 triệu USD.
Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 143 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 14,7 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ, đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI.
Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước.
Tại buổi làm việc, tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết một số vấn đề vận động các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đầu tư vào Thanh Hóa; sớm có văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục giao mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho nhà thầu thi công các dự án hạ tầng giao thông quan trọng; có phương án và lộ trình đầu tư đường cất hạ cánh số 2 tại Cảng hàng không Thọ Xuân theo quy hoạch.
Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa cũng đề xuất giải quyết các điểm nghẽn về giao thông, đề xuất đầu tư nạo vét luồng tàu vào cảng Nghi Sơn, áp dụng cơ chế đặc thù đối với dự án nghỉ dưỡng sinh thái tại huyện Như Thanh...
Cơ chế "3 thông", thực hiện tốt "3 đột phá chiến lược"
Trước những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa, đại diện các bộ, ngành cũng đã tập trung phân tích, thảo luận tại buổi làm việc cùng Thủ tướng Chính phủ.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thanh Hóa, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
Thủ tướng cho biết, thời gian tới, còn nhiều vấn đề mà tỉnh cần phải nỗ lực, quyết tâm, xác định trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt hơn nữa để góp phần đạt mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị tỉnh Thanh Hóa cùng với Trung ương cần thực hiện cơ chế "3 thông", làm tốt "3 đột phá chiến lược".
Cụ thể "3 thông": Cơ chế, chính sách phải thông thoáng; hạ tầng thông suốt; quản lý điều hành thông minh.
Tập trung làm tốt "3 đột phá chiến lược", đó là tạo đột phá về thể chế, đột phá về hạ tầng, đột phá về con người. Trong đó, lấy đột phá về con người làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho phát triển.
Thủ tướng lưu ý việc tăng cường phân cấp, phân quyền rõ ràng, rành mạch, dễ giám sát, kiểm tra, giám sát, khen thưởng kỷ luật nghiêm minh; tăng cường cải cách thủ tục hành chính triệt để.
Ngoài ra, địa phương cần tăng cường tự lực, tự cường, không trông chờ, ỉ lại, không lạc quan quá khi tình hình thuận lợi nhưng không bi quan khi tình hình không thuận lợi; phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội, văn hóa, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.
Trong mọi trường hợp không được để bị động, bất ngờ về an ninh quốc phòng; đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; tích cực đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần rà soát những việc đã làm được, chưa làm được, chỉ rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, chú trọng phát triển các khu công nghiệp, góp phần tăng GDP.
Bên cạnh đó cần tạo sinh kế cho người dân; nâng cao hiệu quả quản lý vốn đầu tư công; xây dựng vùng nguyên liệu, hỗ trợ về khoa học công nghệ, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, cải cách hành chính giúp doanh nghiệp tiếp cận đất đai; mở rộng, đa dạng hóa thị trường.
Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, tập trung phát triển y tế, giáo dục đào tạo; khắc phục triệt để tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, thiếu giáo viên, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên, trường học cho phù hợp; phát triển du lịch; đẩy mạnh thương mại điện tử; đẩy mạnh 3 chương trình mục tiêu quốc gia…
Về các kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa trên cơ sở các ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng cơ bản đồng ý với việc giải quyết các kiến nghị của tỉnh, trên nguyên tắc đảm bảo đúng các quy định của pháp luật; tạo cơ chế khơi thông, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển.
Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để phối hợp, giải quyết theo thẩm quyền các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa.