Thủ tướng: Quyết tâm tháo gỡ ách tắc kéo dài nhiều năm, cản trở phát triển

Thái Anh

(Dân trí) - Thủ tướng phân tích, trong điều kiện khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ như hiện nay, nhất là dịch bệnh phức tạp, cần tranh thủ tháo gỡ ách tắc kéo dài nhiều năm, tạo động lực phát triển…

Sáng 17/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về pháp luật tháng 8/2021 để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Thủ tướng: Quyết tâm tháo gỡ ách tắc kéo dài nhiều năm, cản trở phát triển - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật của Chính phủ (ảnh: VGP).

Chứng từ thanh toán dày hơn hồ sơ dự án luật

Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thời gian qua, các bộ ngành, địa phương rất tích cực triển khai nhiệm vụ xây dựng thể chế nhưng vẫn còn một số bộ, cơ quan, địa phương chưa thực sự quan tâm, còn chậm trễ, thờ ơ, cần rút kinh nghiệm, dứt khoát phải tập trung cho nhiệm vụ này.

Thủ tướng phân tích và nhấn mạnh thêm, phải ưu tiên đầu tư cho công tác này sao cho đúng tầm một khâu đột phá chiến lược cả về con người, vật chất, điều kiện làm việc, bố trí những cán bộ có năng lực, trình độ, nhiệt huyết. Thủ tướng yêu cầu tiết kiệm các khoản chi thường xuyên khác để tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó có đột phá thể chế.

Phản ánh tình trạng "chứng từ thanh toán dày hơn cả hồ sơ luật", Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tư pháp nghiên cứu xây dựng quy định, không để việc xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế ách tắc vì kinh phí.

Người đứng đầu Chính phủ đòi hỏi tinh thần tấn công, ai làm tốt thì khen, ai làm không tốt thì nhắc nhở, nhắc nhở nhiều lần không được thì xử lý.

"Trong điều kiện hiện nay, khó khăn, thách thức nhiều hơn rất nhiều so với thời cơ và thuận lợi, nếu thời cơ có sẵn mà không tận dụng thì làm sao bứt phá được? Trong hoàn cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các bộ, cơ quan, địa phương cần phát huy tinh thần tự giác, tranh thủ và tận dụng mọi thời cơ, phát huy tối đa tinh thần vì hạnh phúc, ấm no cho nhân dân, vì quốc gia dân tộc, vì sự phát triển của ngành mình, bộ mình, địa phương mình, góp phần xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ không "ôm" việc, địa phương không đẩy việc lên Trung ương

Đi sâu vào vấn đề xây dựng luật sửa đổi, bổ sung các luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong tình hình dịch bệnh Covid-19, trong đó có luật Dược, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý liên hệ với Nghị quyết 86 của Chính phủ về giải pháp cấp bách, đặc biệt chống dịch.

Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương phân quyền, các bộ không "ôm" việc, không tập trung dồn việc lên Trung ương. Ông yêu cầu tuân thủ nguyên tắc "cái gì biết mới quản, không biết thì không quản", những gì cấp dưới làm được, làm tốt hơn thì phân cấp, cơ quan nào làm tốt thì giao việc. Những gì xã hội và người dân làm tốt hơn thì tạo điều kiện để xã hội và người dân làm, trừ những vấn đề, lĩnh vực thuộc an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia.

Thủ tướng: Quyết tâm tháo gỡ ách tắc kéo dài nhiều năm, cản trở phát triển - 2

Thủ tướng yêu cầu tuân thủ nguyên tắc "cái gì biết mới quản, không biết thì không quản", những gì cấp dưới làm được, làm tốt hơn thì phân cấp, cơ quan nào làm tốt thì giao việc.

Ngoài ra, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo, lựa chọn làm trước những nội dung cần thiết, cấp bách nhất để tháo gỡ, quyết tâm giải quyết những ách tắc kéo dài nhiều năm chưa được tháo gỡ để tạo động lực, giải phóng các nguồn lực mới cho sự phát triển, nhất là trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kinh tế-xã hội gặp nhiều khó khăn.

Về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Thủ tướng nhấn mạnh một số yêu cầu như giảm thiểu các thủ tục hành chính. Có công cụ kiểm soát việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tham gia lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Không mở mới thêm cơ sở đào tạo nhân lực về kinh doanh bảo hiểm, nếu cần thiết thì bổ sung thêm chuyên ngành tại các cơ sở đã có.

Liên quan tới quy định về bảo hiểm y tế trong dự án luật, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu phải bảo đảm lợi ích của người dân là trên hết, trước hết, bảo đảm an sinh xã hội, khẳng định sự ưu việt của chế độ. Ông nhắc lại quan điểm không hy sinh an sinh xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Tinh thần này cần được quán triệt trong việc xây dựng các dự án luật.

Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và dự thảo Nghị định về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần, Thủ tướng nêu rõ, tần số là tài nguyên quốc gia, do đó phải có cách sử dụng hiệu quả. Hiện nay, chiến tranh trên không gian mạng rất khốc liệt, nếu không làm chủ không gian mạng thì sẽ bị lúng túng, bị động, bất ngờ khi có chiến tranh. Trên thế giới, đã có quốc gia thất bại, sụp đổ do thất bại trên không gian mạng.

Do đó, tần số phục vụ bảo vệ độc lập chủ quyền, an ninh, quốc phòng phải được ưu tiên bảo đảm tối đa. Còn tần số phục vụ thương mại không thuộc lĩnh vực an ninh-quốc phòng thì tuân theo quy luật kinh tế thị trường, đấu thầu, đấu giá bảo đảm công khai, minh bạch. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tham khảo kinh nghiệm quốc tế và tổng kết kinh nghiệm trong nước sau 35 năm đổi mới, vừa bảo đảm an ninh-quốc phòng, vừa khai thác hiệu quả tài nguyên quốc gia, vừa tuân thủ các cam kết quốc tế.