1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Thủ tướng: Quyền tự do báo chí được đảm bảo theo pháp luật

(Dân trí) - Chiều 18/9/2014, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp các nhà báo tham dự Hội nghị thường niên Mạng thông tin châu Á được tổ chức tại Hà Nội do báo Vietnam News thuộc Thông Tấn xã Việt Nam đăng cai tổ chức.

Chào mừng các nhà báo đến Hà Nội dự Hội nghị thường niên Mạng thông tin Châu Á, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao các nội dung Hội nghị đã trao đổi, đồng thời mong muốn các thành viên Mạng Châu Á thường xuyên hợp tác trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm để mỗi nhà báo làm tốt hơn sứ mạng cao cả của mình là thông tin kịp thời, khách quan, chính xác các sự việc vì mục tiêu chung là hợp tác, hòa bình, hữu nghị và phát triển.

Thay mặt các nhà báo, ông Pana Janviroj - Chủ tịch Mạng thông tin châu Á cho biết, Mạng có 21 thành viên của 19 quốc gia với phương châm luôn phản ánh khách quan về tình hình của các nước, tạo uy tín của độc giả trong khu vực và thế giới. Ông Pana Janviroj đề nghị Thủ tướng cho biết triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam, quan điểm của Việt Nam trong xây dựng Cộng đồng ASEAN, về vấn đề Biển Đông và tự do báo chí ở Việt Nam.
Thủ tướng: Quyền tự do báo chí được đảm bảo theo pháp luật

Trả lời các nội dung mà cộng đồng báo chí trong khu vực quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam đang tích cực cùng các thành viên xây dựng Cộng đồng ASEAN; tin tưởng với sự nỗ lực chung, việc xây dựng Cộng đồng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015.

Thủ tướng cho biết, việc hoàn thành xây dựng Cộng đồng ASEAN tạo ra thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn thách thức cho Việt Nam, nhất là việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Do vậy, Việt Nam đang triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển nhanh và bền vững, trong đó tập trung cải cách thể chế, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông không chỉ là mối quan tâm chung của ASEAN mà của khu vực và thế giới. Về Biển Đông, lập trường của ASEAN là rất rõ ràng thể hiện trong Tuyên bố 6 điểm về Biển Đông, trong đó yêu cầu các bên tuân thủ Luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thương lượng thực chất về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Trao đổi về quyền tự do báo chí, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Việt Nam thực hiện quyền con người và quyền công dân đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Thủ tướng khẳng định quyền tự do báo chí là quyền cơ bản của quyền công dân, tự do báo chí là xu thế chung của thế giới. Tuy nhiên tự do báo chí phải theo quy định của luật pháp để đảm bảo tự do của người này, tổ chức này không xâm phạm đến tự do và lợi ích của tổ chức và cá nhân khác. Hiến pháp Việt Nam mới thông qua cũng bảo đảm tự do trên tinh thần đó.
 

Thủ tướng tiếp Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á

Chiều 18/9/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tiếp ông Takehiko Nakao - Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đang có chuyến thăm làm việc tại Việt Nam.

Hoan nghênh ông Takehiko Nakao sang thăm làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn ADB đã hỗ trợ về tài trợ vốn, tư vấn chính sách cho tiến trình phát triển của Việt Nam; khẳng định Việt Nam rất coi trọng hợp tác với ADB ngày càng hiệu quả và thiết thực.

Hoan nghênh ADB tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong quản lý nguồn nước, đào tạo nguồn nhân lực, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam cam kết sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay của ADB trong phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời cho biết sẽ bố trí vốn đối ứng, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để giải ngân có hiệu quả các nguồn vốn vay này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhưng cũng đang đứng trước khó khăn thách thức, nhất là mục tiêu tăng trưởng nhanh hơn và bền vững trong thời gian tới. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2015 là 6,2% và giai đoạn 2016-2020 là 6,5%, Việt Nam đang thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải cách thể chế và hoàn thiện kinh tế thị trường, đào tạo nguồn nhân lực, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng. Vì vậy, ngoài nội lực, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có ADB.

Cho biết mục đích chuyến thăm Việt Nam lần này là tham dự Diễn đàn Phát triển châu Á lần thứ 5 (ADF5) diễn ra tại Hà Nội do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, ông Takehiko Nakao bày tỏ ấn tượng về thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong quá trình đổi mới, đánh giá cao những giải pháp của Việt Nam như kiềm chế được lạm phát, cải cách doanh nghiệp nhà nước, phục hồi tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô….

Chủ tịch ADB cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục cải cách chính sách, thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư phát triển… đồng thời đề nghị Việt Nam tiếp tục thúc đẩy và thực hiện thủ tục giải ngân nhanh các nguồn vốn của ADB, khẳng định ADB luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm