1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thủ tướng: Phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu

(Dân trí) - Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007 - 2011 của Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận việc chưa khắc phục được những nguyên nhân làm phát sinh tham nhũng, lãng phí, nhất là những bất cập trong hệ thống thể chế quản lý kinh tế, công tác tổ chức cán bộ, chính sách tiền lương.

Thủ tướng: Phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu - 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo tổng kết nhiệm kỳ (Ảnh: Việt Hưng)
 
Thu nhập bình quân tăng 35%

Tại kỳ họp cuối Quốc hội khóa 12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chính phủ. Theo đó, trong 5 năm qua, khu vực kinh tế dân doanh đã có bước phát triển mạnh. Số doanh nghiệp cả nước đã tăng hơn 2 lần, số vốn đăng ký tăng gần 6 lần.

Đến cuối năm 2010, cả nước có khoảng 544 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Giai đoạn 2006-2010, đầu tư của khu vực dân doanh chiếm 34,8% tổng đầu tư xã hội, tạo ra gần 50% việc làm phi nông nghiệp ở nông thôn, đóng góp 45%GDP cả nước.

Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, đã đẩy mạnh cổ phần hóa và chuyển toàn bộ 1.200 doanh nghiệp nhà nước còn lại sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Quy định rõ hơn về hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra và việc công khai kết quả hoạt động kinh doanh, thực hiện chế độ kiểm toán bắt buộc đối với doanh nghiệp nhà nước.

Bên cạnh đó, môi trường đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục được cải thiện. Tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 150 USD, gấp hơn 2,7 lần, tổng vốn thực hiện đạt gần 45 tỷ USD, vượt 77% so với mục tiêu đề ra.

Đặc biệt, mặc dù bị tác động nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, giai đoạn 2006-2010, tăng trưởng kinh tế nước ta đạt mức khá cao, bình quân đạt khoảng 7%. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.168 USD, vượt mục tiêu đề ra.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết kết quả phát triển KT - XH nhiệm kỳ qua đã góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Cụ thể năm 2010, thu nhập của dân cư tăng 35% so với năm 2006 (đã loại trừ yếu tố giá).

Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đã tăng lên, thuộc nhóm nước trung bình của thế giới. Nước ta đã đạt và vượt trước thời hạn 5/8 mục tiêu thiên niên kỷ đặt ra cho năm 2015, được quốc tế đánh giá cao.

Các định chế tài chính tiềm ẩn rủi ro

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiêm túc nhìn nhận về những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, lãnh đạo chỉ đạo điều hành. Trong đó phải kể đến, công tác xây dựng pháp luật và hoàn thiện thể chế chính sách vẫn còn lúng túng, chưa bảo đảm mang tính đồng bộ và thống nhất.

Cơ chế chính sách trong một số lĩnh vực, nhất là trong quản lý đất đai, tạo lập môi trường kinh doanh và xã hội hóa một số dịch vụ công còn nhiều hạn chế. Quản lý giá một số hàng hóa và dịch vụ chưa thực hiện đầy đủ theo cơ chế thị trường, còn trở ngại cho đầu tư kinh doanh và ổn định kinh tế vĩ mô.
 
Thủ tướng: Phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu - 2
Bội chi ngân sách, lạm phát… là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại các kỳ họp  (Ảnh: Việt Hưng)
 
Các loại thị trường hình thành còn chậm và chưa đồng bộ. Các định chế tài chính, nhất là ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm chưa đủ mạnh và còn tiềm ẩn rủi ro.

Thị trường bất động sản còn nhiều vướng mắc. Thị trường tiền tệ, thị trường vàng chưa được quản lý tốt. Thị trường khoa học, công nghệ còn nhỏ bé. Trong khi đó thị trường lao động lại chưa bảo đảm tốt việc kết nối cung - cầu giải quyết việc làm.

Công tác quản lý điều hành kinh tế vĩ mô chưa thật hiệu quả, còn những hạn chế, yếu kém. Nhập siêu, bội chi ngân sách, lạm phát còn cao. Công tác quy hoạch, kế hoạch còn bất cập, chất lượng thấp. Phát triển chưa bền vững.

Một số chủ trương lớn về cải cách hành chính được đề ra khá sớm như đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, giảm biên chế, giảm cấp phó, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức… nhưng kết quả thực hiện chưa cao. Chưa có những biện pháp thật kiên quyết và có hiệu quả để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Chính phủ cũng thẳng thắn nhận định công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí thời gian qua chưa đạt yêu cầu. Chưa khắc phục được những nguyên nhân làm phát sinh tham nhũng, lãng phí, nhất là những bất cập trong hệ thống thể chế quản lý kinh tế, công tác tổ chức cán bộ và chính sách tiền lương. Nhiều vụ việc đã được phát hiện nhưng điều tra xử lý còn chậm…

Lan Hương