Thủ tướng phát lệnh thông xe cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên

(Dân trí) - Sáng nay (18/1), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức phát lệnh thông xe toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên dài 63,8 km và là 1 trong 7 tuyến cao tốc hướng tâm về Thủ đô Hà Nội.

Khởi công tháng 11/2009, Dự án được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA của chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng mức đầu tư là 10.004 tỷ đồng, trong đó phần vốn vay ODA Nhật Bản là 6.664 tỷ đồng và vốn đối ứng Việt Nam là 3.340 tỷ đồng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cắt băng thông xe cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cắt băng thông xe cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên

Dự án được xây dựng nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, rút ngắn thời gian đi lại và đặc biệt là góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh giao thương giữa Thủ đô Hà Nội với các tỉnh lân cận, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh phía Bắc.

Tuyến cao tốc đi qua TP Hà Nội, Bắc Ninh và Thái Nguyên. Toàn bộ tuyến đường đều đạt tiêu chuẩn đường cao tốc, trừ đoạn Sóc Sơn - Thái Nguyên được thiết kế theo tiêu chuẩn tiền cao tốc.

Trong quá trình thực hiện dự án, do công tác giải phóng mặt bằng gặp phải một số vướng mắc nên một số đoạn thuộc gói thầu PK1 (khoảng 2km) chưa đạt độ lún theo yêu cầu. Vì vậy, để đảm bảo cho thời gian thông xe, sẽ phải thực hiện các phương án kỹ thuật đảm bảo an toàn. Những đoạn đường đó sẽ được cắm biển theo dõi chờ lún và bù lún trong quá trình khai thác.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, ngay sau khi thông xe, các phương tiện được lưu thông trên đường cao tốc gồm: xe ô tô con, ô tô khách, xe tải, container từ 20-40 feet. Vận tốc tối đa 80 km/h, trừ các đoạn cầu vượt Phổ Yên, khu công nghiệp Yên Bình.

Tại lễ thông xe, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Dự án Quốc lộ 3 mới có nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong việc phát triển nhanh, bền vững của các tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Một đoạn cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên
Một đoạn cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên

Thủ tướng cũng biểu dương các hộ dân đã tình nguyện giao đất của mình để phục vụ xây dựng đường, biểu dương Ban Quản lý và các đơn vị thi công đã nghiêm túc thực hiện công viêc để hoàn thành dự án. Một trong những đột phá để hiện đại hóa đất nước là phải đầu tư cơ sở hạ tầng (đặc biệt là các tuyến đường cao tốc) thật hiện đại. Thủ tướng cũng trân trọng cảm ơn nguồn vốn ODA của Nhật Bản trong khuôn khổ quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước đã góp phần quan trọng để hoàn thành dự án này.

Để đảm bảo giao thông thông suốt trên tuyến, Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị thi công nhanh chóng hoàn thành các hạng mục còn tồn đọng, nghiêm túc rút kinh nghiệm để làm tốt hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn trong các dự án sau này.

Tuyến Phan