Thủ tướng phát lệnh khởi công Dự án Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh
Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có chiều dài 93,3km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 14.331 tỷ đồng vừa được khởi công có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong kết nối trục giao thông.
Sáng 1/1 tại huyện Thạch An (tỉnh Cao Bằng), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát lệnh khởi công Dự án đường bộ Cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Kỳ vọng hoàn thành vào năm 2026
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh ngày 1/1 là ngày đầu tiên của năm 2024, đây là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng đồng thời cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, Thủ tướng tin tưởng rằng với khí thế mới, tâm thế và niềm tin mới, kinh tế - xã hội sẽ có thành công mới với sự vào cuộc của nhân dân, địa phương, doanh nghiệp và ủng hộ của bạn bè quốc tế, trong đó có dự án Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh này.
Theo Thủ tướng, trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với nhiều dự án đường cao tốc để kết nối thông suốt cả nước, các vùng miền, trong đó có tuyến cao tốc. Đến hết năm 2023, cả nước đã hoàn thành 1.900km đường bộ cao tốc, đang triển khai xây dựng 1.700km và tuyến Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh với chiều dài gần 100km được khởi công hôm nay sẽ nâng tổng số đường bộ cao tốc đang xây dựng lên 1.800km.
Khẳng định tính khả thi của mục tiêu Đại hội Đảng đề ra năm 2025 có 3.000km cao tốc và tới năm 2050 là 5.000km, Thủ tướng cho rằng với tinh thần và nỗ lực, chắc chắn mục tiêu sẽ đạt được.
"Dự án Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư 14.000 tỷ đồng, đây là công trình trọng điểm Quốc gia có ý nghĩa quan trọng của tỉnh Cao Bằng và ước vọng bao đời nay của người dân, cũng là trăn trở của lãnh đạo địa phương qua các thời kỳ. Dự án này được thực hiện theo hình thức PPP, sau khi được Quốc hội, Chính phủ đồng ý mở rộng thí điểm nâng tỷ lệ vốn đầu tư Nhà nước tại các dự án PPP," Thủ tướng nói.
Từ đó, dự án triển khai sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, tạo thành tuyến cao tốc đối ngoại kết nối với Trùng Khánh, Tân Cương (Trung Quốc) và Trung Á, châu Âu, nâng cao sự cạnh tranh, phát triển kinh tế của tỉnh Cao Bằng nói chung và vùng miền nói chung.
Đánh giá tinh thần và trách nhiệm của nhà đầu tư đã đặt lợi ích của Quốc gia, dân tộc lên trên, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư, bộ, ngành nghiên cứu đầu tư, mở rộng giai đoạn 1 từ 2 lên 4 làn xe; nhanh chóng giải phóng mặt bằng bảo đảm đời sống của người dân ở nơi ở mới; tăng cường giám sát, đôn đốc kiểm tra giải quyết các khó khăn, vướng mắc… và kỳ vọng dự án có thể hoàn thành vào năm 2026.
Ông Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh để phấn đấu phát triển nhanh, bền vững, tỉnh cần phá vỡ cản trở về kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Sau gần 2 nhiệm kỳ xúc tiến triển khai Dự án Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, có thời điểm bị chững lại do gặp nhiều khó khăn, đến nay, dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, tỉnh Cao Bằng đã ký hợp đồng BOT với liên danh nhà đầu tư.
Theo Chủ tịch Trần Hồng Minh, tỉnh Cao Bằng đã kịp thời báo cáo Quốc hội, Chính phủ xin thực hiện cơ chế đặc thù về nguồn vốn. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết cho phép dự án được áp dụng cơ chế đặc thù với tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia không quá 70%.
"Tuyến đường hoàn thành là yếu tố then chốt để tỉnh thúc đẩy liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội, đưa Cao Bằng phát triển đột phá, tạo động lực để các địa phương đẩy mạnh giao thương, thúc đẩy kinh tế cửa khẩu, du lịch, liên tỉnh, liên vùng và liên quốc gia", ông Minh kỳ vọng.
Dự án tiền đề thí điểm mở rộng đầu tư PPP giao thông
Chia sẻ tại lễ khởi công, đại diện liên danh nhà đầu tư, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả cho biết với tầm nhìn xa, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Cao Bằng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 4/2015 đã chỉ đạo sử dụng nhiều nguồn vốn để nhanh chóng triển khai Dự án đường Cao tốc Lạng Sơn - Cao Bằng và phương thức huy động vốn này cũng chính là mô hình PPP hiện nay.
"Đây cũng là dự án đầu tiên được khởi công cho việc thí điểm vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ lên đến 70% của Quốc hội, là tiền đề minh chứng cho sự tháo gỡ thành công của cơ chế chính sách hiện nay để tiếp tục triển khai các dự án trọng điểm khó khăn trong thời gian tới," ông Hoàng nói.
Cảm ơn các cấp có thẩm quyền hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn đã kiên định đồng hành, tháo gỡ các vướng mắc để dự án đi đến lễ khởi công hôm nay đồng thời khẳng định những giải pháp đầu tư, thi công được áp dụng tại cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được đúc rút qua nhiều năm kinh nghiệm thực hiện các dự án khó, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cam kết thực hiện dự án với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "chỉ tiến không lùi", "đã nói là làm và đã cam kết là phải thực hiện hiệu quả" như tinh thần Thủ tướng đã chỉ đạo lan tỏa ngành Giao thông vận tải trong thời gian qua.
Qua dự án này, ông Hoàng cho rằng các nhà đầu tư, ngân hàng tài trợ vốn, nhà thầu, tư vấn và ban quản lý dự án của tỉnh sẽ được nâng cao năng lực nhưng để thực hiện thành công cần có sự vào cuộc đồng bộ, thực chất của cơ quan Nhà nước.
Ông Hoàng đề nghị Bộ Giao thông vận tải cùng các bộ, ngành, các cơ quan chức năng xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ngành giao thông hợp tác, học tập các mô hình của doanh nghiệp quốc tế như Nhật Bản, Trung Quốc... về các công nghệ lõi của ngành giao thông; có cơ chế, chính sách đầu tư cho việc nghiên cứu phát triển khoa học, công nghệ thông qua mô hình hợp tác của doanh nghiệp với các đơn vị đào tạo là các trường đại học, cao đẳng, trường nghề nhằm chuẩn bị kiến thức và con người sẵn sàng tiếp nhận, làm chủ các công nghệ; tổ chức đánh giá để điều chỉnh tiêu chuẩn, quy định pháp luật phù hợp, hoàn thiện hành lang pháp lý tạo sự minh bạch trong quản lý đầu tư, thi công.
Dự án Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có chiều dài 93,35km; điểm đầu tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) và điểm cuối tại nút giao quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo (huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng). Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 14.331 tỷ đồng, thời gian thực hiện 36 tháng.
Dự án được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 tuyến cao tốc được triển khai với vận tốc thiết kế 80km/h, bề rộng mặt cắt ngang nền đường 17m đối với các đoạn thông thường và 13,5m đối với các đoạn phức tạp.
Được biết, ban đầu, Dự án Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được Bộ Giao thông vận tải lập quy hoạch có chiều dài 144km, với tổng vốn đầu tư trên 47.000 tỷ đồng. Đây là dự án rất khó về yếu tố kỹ thuật bởi địa hình hiểm trở, đặc biệt là suất đầu tư rất lớn, lưu lượng thấp dẫn đến bài toán hoàn vốn khó khăn. Đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, nghiên cứu nhưng vẫn chưa thể thực hiện được.
Với năng lực đầu tư, kinh nghiệm tổ chức giải quyết nhiều dự án khó khăn phức tạp về kỹ thuật, tài chính, pháp lý… Tập đoàn Đèo Cả đã đề xuất phương án điều chỉnh hướng tuyến với 4 hầm xuyên núi cùng các cầu vượt thung lũng, rút ngắn 23km chiều dài tuyến xuống còn 121km, tổng mức đầu tư cả 2 giai đoạn còn gần 23.000 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với phương án ban đầu.
Nhà đầu tư phải tiếp tục có những giải pháp để tối ưu hơn, trong đó bao gồm áp dụng mô hình PPP+ là giải pháp huy động nguồn vốn cho dự án từ vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng, vốn trái phiếu đặc biệt là vốn nhà đầu tư.