1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thủ tướng phát lệnh khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam

Nhóm phóng viên
Nhóm phóng viên

(Dân trí) - Sáng 1/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khởi công 12 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Lễ khởi công do Bộ Giao thông vận tải phối hợp cùng UBND 9 tỉnh tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 3 điểm cầu chính ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Ngãi, Hậu Giang và 9 điểm cầu khác tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cà Mau.

Thủ tướng phát lệnh khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính (giữa) cùng lãnh đạo các bộ ngành phát lệnh khởi công 12 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam (ảnh: Nhật Thành).

Dự lễ tại điểm cầu Trung tâm ở tỉnh Quảng Ngãi với Thủ tướng Chính phủ còn có Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự lễ tại điểm cầu Trung tâm ở Hậu Giang. Dự lễ khởi công tại các điểm cầu có các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành; Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh có tuyến đường đi qua; nhà thầu, đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và đông đảo nhân dân.

Cao tốc Bắc - Nam có ý nghĩa chính trị, xã hội to lớn

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của cả nước. Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là 1 trong 3 đột phá chiến lược, trong đó ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông.

Thủ tướng phát lệnh khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công các dự án (Ảnh: Quốc Triều).

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã dành nguồn lực lớn nhất triển khai kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tại các vùng, miền trọng yếu, nhằm tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội. Đây là quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước và có sự chỉ đạo xuyên suốt từ Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các cấp để quyết tâm thực hiện.

Điểm lại 20 năm qua Thủ tướng cho biết, Việt Nam chỉ tổ chức thực hiện được khoảng 1.000km đường cao tốc. Nhiệm vụ đến năm 2025 phải làm bằng 2 lần và đến năm 2030 phải bằng 4 lần của 20 năm qua.

"Đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng tôi tin tưởng với 20 năm kinh nghiệm vừa qua, chúng ta sẽ hoàn thành mục tiêu. Chúng ta đã trưởng thành hơn từ tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát đến các nhà thi công và các cấp lãnh đạo quản lý. Nhất là có sự vào cuộc của doanh nghiệp và nhân dân nơi có dự án đi qua", người đứng đầu Chính phủ kì vọng.

Thủ tướng phát lệnh khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam - 3

Lễ Khởi công được tổ chức trực tuyến tại 12 điểm cầu.

Nhiều công trình giao thông hiện đại như đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không đã và đang được đầu tư, xây dựng góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước; giúp tận dụng được lợi thế so sánh của các vùng miền; khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, mở ra không gian phát triển mới.

Một điểm mới trong cách làm hiện nay theo Thủ tướng Phạm Minh Chính là dự án triển khai đồng bộ các đường cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau trên toàn tuyến. Ngoài ra, các tuyến hành lang cao tốc đông tây, đông nam, tây bắc… cũng đồng bộ triển khai trên 6 vùng miền.

Không bỏ qua địa phương nào cho thấy sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước không quá ưu tiên một vùng hoặc nơi lỏng một chỗ. Sự lãnh đạo, chỉ đạo hết sức công bằng, bình đẳng. Thậm chí, những vùng khó khăn hơn như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Tây Bắc…đang được ưu tiên.

Thủ tướng phát lệnh khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam - 4

Lễ khởi công được tổ chức tại 12 điểm cầu của dự án, trong đó 3 điểm chính tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Ngãi và Hậu Giang (ảnh: Tiến Thành).

Tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông với chiều dài 2.063km nối liền từ Lạng Sơn đến Cà Mau kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội với TPHCM đi qua 32 tỉnh, thành phố, chiếm 62,1% dân số và đóng góp 65,7% GDP cả nước. Tuyến cao tốc có quy mô lớn, vai trò động lực tác động lan tỏa mạnh mẽ, ý nghĩa hết sức quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; mở ra không gian phát triển mới cho các vùng địa phương, tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ mới.

"Đường đi đến đâu thì có không gian phát triển đến đó. Đường đi tới đâu sẽ mở mang các hoạt động để tăng việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân", Thủ tướng nói.

Đánh giá cao sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Thủ tướng cho biết, chỉ 1 năm nỗ lực triển khai với khối lượng công việc rất lớn từ khâu chuẩn bị đầu tư, lập thiết kế kĩ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng nhưng thời gian chỉ bằng một nửa so với cách triển khai trước đây.

Thủ tướng đánh giá cao Bộ Giao thông vận tải, các địa phương có dự án đi qua, các ban quản lý, các đơn vị tư vấn, chính quyền và nhân dân các tỉnh thành phố, đặc biệt là các chủ thể có liên quan đã đề cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, hoàn thiện nhanh các thủ tục giải phóng mặt bằng, tư vấn thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi triển khai dự án.

"Qua sông bắc cầu, qua núi khoét núi"

Khó khăn trước mắt theo Thủ tướng Chính phủ vẫn còn rất lớn nhưng dự án cần được triển khai trên tinh thần "qua sông bắc cầu, qua núi khoét núi". Đường cao tốc sẽ tránh qua các khu dân cư đông người, không làm tác động ảnh hưởng tới đời sống của người dân và giảm thiểu chi phí giải phóng mặt bằng. Việc làm đường thẳng cũng tiết kiệm chi phí hơn.

Trong ngày khởi công, Thủ tướng đã đặt ra một số yêu cầu với dự án. Trong đó, dự án là phải đảm bảo tiến độ, không để kéo dài; không được đội vốn; đảm bảo chất lượng thi công về kĩ thuật, mĩ thuật theo quy định; đảm bảo hiệu quả đầu tư, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tuân thủ nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Công tác thanh, kiểm tra phù hợp quy định; Thưởng phạt nghiêm minh.

Thủ tướng phát lệnh khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam - 5

Các nhà thầu tham gia dự án cam kết đã tập trung đủ nhân lực, máy móc (Ảnh: Bộ Giao thông vận tải).

Vượt qua khó khăn, đáp ứng yêu cầu để hoàn thành mục tiêu năm 2025 nối thông tuyến là đòi hỏi và cũng là sự mong mỏi của Đảng, Chính phủ và nhân dân. "Trước đây, chúng ta phải đánh đổi xương máu lấy độc lập, tự do, thống nhất thì ngày nay, giao thông kết nối từ Nam ra Bắc có ý nghĩa chính trị, xã hội rất lớn, không chỉ đơn thuần là ý nghĩa về mặt kinh tế", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thủ tướng phát lệnh khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam - 6

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tại lễ khởi công.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được quy hoạch với tổng chiều dài 2.063 km từ cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau đi qua 32 tỉnh, thành phố. Đến nay, đã hoàn thành đưa vào khai thác 642 km, đang triển khai thi công 622 Km.

Với mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn bộ Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Dự án có tổng chiều dài 729 km đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố với tổng mức đầu tư toàn bộ dự án gần 147 ngàn tỷ đồng; quy mô 4 làn xe được chia thành 12 dự án thành phần.

Người đứng đầu Chính phủ đồng thời nhấn mạnh, mỗi cá nhân cần xem công việc này như công việc nhà mình, chăm lo công việc như chăm lo con cái. Hình dung ra như vậy để thấy cần đẩy tinh thần trách nhiệm lên rất cao.

Chính phủ Giao cho Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo các Ban quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu phát huy tinh thần, trách nhiệm cao nhất; huy động nhân lực, thiết bị, máy móc hiện đại; xây dựng kế hoạch, phương án thi công khoa học, chi tiết, phù hợp; đảm bảo hiệu quả, chất lượng, an toàn; giữ gìn môi trường; tuần thủ quy định của pháp luật; không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư, nhất là người đứng đầu cần bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án, đảm bảo các dự án thành phần hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng đảm bảo yêu cầu.

Nhằm giải quyết vấn đề thiếu nguyên vật liệu, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh cần nhanh chóng giải quyết vấn đề khai thác nguyên vật liệu, đồng thời, giao cho Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường trong 15 ngày nữa thành lập tổ kiểm tra. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tiếp chỉ đạo toàn tuyến về giải quyết nguyên vật liệu.

Tuyến cao tốc qua Cần Thơ - Hậu Giang trị giá 10.000 tỷ đồng 

Dự án được khởi công tại huyện Vị Thủy, Hậu Giang, với sự tham gia của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành, Chủ  tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cùng các lãnh đạo có liên quan. 

Vị trí dự án có điểm đầu giao với tuyến nối đường Nam Sông Hậu - QL1 (thuộc quận Cái Răng, Cần Thơ), điểm cuối giao với điểm đầu dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.

Thủ tướng phát lệnh khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam - 7

Đại diện lãnh đạo ở trung ương và địa phương có liên quan dự lễ khởi công dự án đường cao tốc Bắc Nam tại điểm cầu Hậu Giang (Ảnh: Bảo Kỳ).

Tổng chiều dài tuyến khoảng 37,65km. Quy mô đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100km/h, rộng 24,75m, giai đoạn phân kỳ có 4 làn xe hạn chế, rộng 17m. Tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của Cần Thơ và Hậu Giang đã chi trả và đạt từ 93%. 

Dự án khi hoàn thành đưa vào khai thác (dự kiến năm 2026) cùng với các dự án thành phần khác từng bước hình thành nên tuyến cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía Đông hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu.

Dự án cũng sẽ giúp giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, kết nối và phát huy hiệu quả các đoạn đường bộ đã và đang đầu tư; tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương có dự án đi qua; phù hợp với định hướng và quy hoạch phát triển GTVT, đặc biệt là khơi thông phát triển cho cả vùng ĐBSCL.

12.000 tỷ đồng cho đoạn cao tốc qua Bình Định

Tại huyện Hoài Ân, Bình Định, địa phương khởi công đoạn tuyến cao tốc qua Hoài Nhơn - Quy Nhơn, do Ban Quản lý dự án 85 - Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.

Thủ tướng phát lệnh khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam - 8

Lễ khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Bình Định (Ảnh: Doãn Công).

Tổng chiều dài tuyến Hoài Nhơn - Quy Nhơn thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam hơn 70km, qua 6 huyện, thị xã thuộc tỉnh. Điểm đầu thuộc thị xã Hoài Nhơn, điểm cuối thuộc thị xã An Nhơn. Tổng vốn đầu tư là 12.401 tỷ đồng.

Thủ tướng phát lệnh khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam - 9

Tổng vốn đầu tư dự án 12.401 tỷ đồng (Ảnh: Doãn Công).

Để thực hiện dự án, các đơn vị chức năng, chính quyền các địa phương đã kiểm kê hơn 536ha với hơn 6.000 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó, có hơn 4.000  hộ dân đã được duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng với hơn 879 tỷ đồng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm