Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông trả lời khẩn 5 vấn đề về cao tốc Bắc-Nam

Thế Hưng

(Dân trí) - Cho ý kiến về kết quả chỉ định thầu 12 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Giao thông trả lời 5 vấn đề.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải về báo cáo kết quả chỉ định thầu 12 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025.

Văn bản nêu rõ, về báo cáo của Bộ Giao thông vận tải về việc tổ chức khởi công 12 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Giao thông trả lời 5 vấn đề lớn.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông trả lời khẩn 5 vấn đề về cao tốc Bắc-Nam - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giao thông vận tải trả lời 5 vấn đề lớn.

Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải báo cáo kết quả việc chỉ định thầu như thế nào? Đã đúng quy định chưa? Chặt chẽ và có tránh tiêu cực không? Chia nhỏ gói thầu như vậy thì ai là tổng thầu? Ai làm tư vấn giám sát? Rất nhiều vấn đề mà Bộ Giao thông vận tải phải thực hiện nghiêm túc quy định, đúng thủ tục và chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề này.

Trước đó, tại họp báo Thông tin về tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy khẳng định Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho khởi công 12 gói thầu đầu tiên thuộc 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 vào ngày 1/1/2023.

Dự án cũng  được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư tại phiên họp bất thường lần thứ nhất (Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022) với tổng chiều dài 729km được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập. Sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Dự án trải dài qua nhiều tỉnh thành phố, với nhiều dạng địa hình, địa chất khác nhau, khối lượng công việc triển khai lớn phải thực hiện trong thời gian ngắn đòi hỏi phải có tư duy mới, cách làm mới, sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao. Ngay sau khi chủ trương đầu tư được Quốc hội thông qua, Bộ GTVT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP trong đó giao nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương với các mốc thời gian phải hoàn thành và cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù để triển khai dự án.

Cụ thể: (1) Áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến Dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư;

(2) Cho phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong giai đoạn chuẩn bị dự án; sớm bàn giao cọc giải phóng mặt bằng để các địa phương thực hiện trước các công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;

(3) Cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc khảo sát, thiết kế, lập, thẩm định phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật nhằm sớm triển khai thi công;

(4) Rút ngắn thủ tục cấp phép khai thác mỏ; giao trực tiếp các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án cho nhà thầu thi công dự án để khai thác; được phép nâng công suất đối với các mỏ cát đang khai thác khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.