Thủ tướng phát lệnh khởi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ
(Dân trí) - Ngày 4/1, tại xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát lệnh khởi công dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các Bộ, ngành và một số địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Sau khi tuyến cao tốc này hoàn thành, kết hợp với tuyến TPHCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận và cầu Mỹ Thuận 2, tạo thành tuyến cao tốc hoàn chỉnh từ TPHCM đi Cần Thơ. Thời gian đi từ TPHCM đến Cần Thơ chỉ còn gần 2 tiếng so với 3-4 tiếng hiện nay trong điều kiện không kẹt xe, giảm áp lực giao thông, tai nạn giao thông trên quốc lộ 1.
Dự án được xây dựng với quy mô tuyến chính đạt tiêu chuẩn đường cao tốc vận tốc thiết kế 100 km/h để phù hợp với giai đoạn xây dựng hoàn chỉnh đường cao tốc 6 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 4.800 tỷ đồng với thời gian thi công 2 năm. Chiều dài dự án gần 23 km, đi qua tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ý nghĩa chiến lược của dự án đối với ĐBSCL.
Tuyến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ được hoàn chỉnh theo tiến độ là năm 2022. Ngay trong năm nay, Bộ GTVT sẽ triển khai các công việc chuẩn bị đầu tư, dự án khả thi để tiếp tục khởi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Trong thời gian tới sẽ triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển của các tỉnh ĐBSCL với chiều dài khoảng 400 km.
Thủ tướng hoan nghênh 2 tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp đã cam kết giải phóng sớm mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư ngay sau khi dự án khởi công.
Thủ tướng cũng đề nghị 2 tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp ổn định đời sống người dân đã di dời nhường đất cho dự án.
Thủ tướng cũng mong muốn người dân vì quyền lợi của cả vùng ủng hộ chủ trương, sớm bàn giao mặt bằng để thi công.
Thủ tướng cho rằng việc triển khai các dự án giao thông là một cố gắng rất lớn thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển ĐBSCL. Để đáp ứng yêu cầu, sự ngóng trông của 20 triệu dân ở 13 tỉnh, thành ĐBSCL, Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, giám sát, thi công phải bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình; không để tình trạng làm trước hỏng sau, không phải chạy theo số lượng mà không coi trọng chất lượng.