Thủ tướng Phạm Minh Chính cắt băng khánh thành cầu Vĩnh Tuy 2

Nguyễn Hải Mạnh Quân

(Dân trí) - Sáng nay Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương cắt băng khánh thành cầu Vĩnh Tuy 2. Cây cầu được xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng.

7h30 sáng 30/8, TP Hà Nội tổ chức lễ thông xe cầu Vĩnh Tuy 2 nối quận Hai Bà Trưng và quận Long Biên (Hà Nội).

Tới dự lễ thông xe có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội; ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương...

Phát biểu tại lễ thông xe, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, mặc dù việc thi công cầu Vĩnh Tuy 2 gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 kéo dài, mặt bằng thi công trên sông, điều kiện thủy văn phức tạp nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị TP Hà Nội, sự giúp đỡ của người dân, các đơn vị thi công làm việc không kể ngày đêm, tăng ca, tăng kíp,... sau gần 3 năm thi công, dự án đã hoàn thành vượt tiến độ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cắt băng khánh thành cầu Vĩnh Tuy 2 - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ thông xe (Ảnh: Mạnh Quân).

Thủ tướng đánh giá cao sự quyết tâm, đổi mới của các đơn vị có liên quan, người dân ở hai bên đầu cầu để dự án sớm đưa vào sử dụng. 

"Không có việc gì khó, quan trọng chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả", Thủ tướng phát biểu. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính cắt băng khánh thành cầu Vĩnh Tuy 2 - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính cắt băng khánh thành cầu Vĩnh Tuy 2 (Ảnh: Mạnh Quân).

Thủ tướng đề nghị sau công trình trên, các cơ quan liên quan có tổng kết, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành, cũng như trong huy động sức mạnh của người dân để thực hiện các dự án, công trình tiếp theo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cắt băng khánh thành cầu Vĩnh Tuy 2 - 3

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, quá trình triển khai xây dựng cầu Vĩnh Tuy 2 gặp rất nhiều khó khăn như: Công trình có điều kiện địa chất, thủy văn, phức tạp, thi công trong đô thị, vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông đi lại của giao thông đường thủy và đường bộ...

Mặc dù việc triển khai dự án gặp nhiều khó khăn nhưng công trình đã hoàn thành đảm bảo tiến độ, an toàn, chất lượng và mỹ quan đô thị; rút ngắn thời gian xây dựng khoảng 4 tháng so với kế hoạch.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị, sau lễ khánh thành Sở Giao thông vận tải cùng Công an thành phố... tổ chức ngay việc phân làn, hướng dẫn giao thông để người dân đi lại thuận tiện; sớm triển khai dự án hầm chui nút giao Cổ Linh - Đàm Quang Trung.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cắt băng khánh thành cầu Vĩnh Tuy 2 - 4

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội,... cùng các lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương, TP Hà Nội cắt băng khánh thành cầu Vĩnh Tuy 2 (Ảnh: Mạnh Quân).

Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 khởi công tháng 1/2021, song song với cầu Vĩnh Tuy 1 (hoàn thành năm 2010) với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng.

Cầu được thiết kế 53 nhịp, có điểm đầu giao với đường Trần Quang Khải - Nguyễn Khoái - Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) và điểm cuối giao đường Long Biên - Thạch Bàn (quận Long Biên).

Cầu dài 3,5km, rộng 19,25m với 4 làn xe, bao gồm ba làn ôtô và một làn xe hỗn hợp.

Công trình được đưa vào khai thác, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

Cầu Vĩnh Tuy 2 được đưa vào sử dụng, gọi chung cầu Vĩnh Tuy (bao gồm hai cầu) với 8 làn ô tô. Đây là cây cầu đầu tiên tại Hà Nội có làn đường dành riêng cho xe buýt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cắt băng khánh thành cầu Vĩnh Tuy 2 - 5

Cầu Vĩnh Tuy là cầu có chiều rộng mặt cắt ngang lớn nhất Hà Nội với 8 làn ôtô (Ảnh: Mạnh Quân).

Cầu Vĩnh Tuy 2 đưa vào hoạt động sẽ giảm tải cho cầu Vĩnh Tuy 1, tăng cường lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng.

Theo quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ có thêm 10 cầu qua sông Hồng, gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (Vành đai 4), Thăng Long mới (Vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên...

Theo phương án phân luồng của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cầu Vĩnh Tuy 2, các phương tiện đi một chiều từ Hai Bà Trưng sang Long Biên.

Cầu được phân làm bốn làn, trong đó ba làn dành cho xe cơ giới với tốc độ tối đa 60km/h, một làn hỗn hợp xe máy và xe thô sơ tốc độ tối đa 40km/h.

Xe cơ giới và xe hỗn hợp được phân làn bằng dải phân cách cứng và biển báo.

Với cầu Vĩnh Tuy 1 (cầu Vĩnh Tuy cũ), người và phương tiện đi một chiều theo hướng từ Long Biên sang Hai Bà Trưng và được phân 5 làn xe.

Có bốn làn xe cơ giới tốc độ khai thác tối đa 40km/h, một làn xe hỗn hợp tối đa 30km/h. Phân chia làn xe cơ giới với xe hỗn hợp bằng vạch sơn và biển báo hướng dẫn.