1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thủ tướng phải được chọn “đội hình”

“Tại sao chúng ta có tới 26 bộ và cơ quan ngang bộ, trong khi những nước có nền kinh tế lớn chỉ có 15-17 bộ. Phải nhập bớt một số bộ lại với nhau, vì để nhiều thì quản lý không tốt”, nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nói.

Tại sao ông cho rằng, đổi mới cách làm nhân sự nên được áp dụng ở kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 12?

 

Tôi đề nghị nên thực hiện ngay tại kỳ họp này vì cách làm đó không vi phạm nguyên tắc Đảng. Phó thủ tướng, bộ trưởng là người giúp việc cho Thủ tướng nên tất cả việc làm của phó thủ tướng, bộ trưởng là do Thủ tướng chịu trách nhiệm. Do cách làm của chúng ta là thủ trưởng không được chọn “thủ phó” nên mới có những anh thủ trưởng lại sợ “thủ phó”.

 

Phó tổng thống ở các nước giải quyết công việc hoàn toàn theo chỉ đạo của tổng thống. Tới đây Quốc hội phải chất vấn Thủ tướng là chính chứ không phải chỉ chất vấn bộ trưởng. Bộ trưởng sau này nói chung nên để các ủy ban của Quốc hội chất vấn.

 

Đề nghị này được ông đưa ra khi nào?

 

Trước đây khi trả lời phỏng vấn về chế độ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nói rằng với cơ chế lãnh đạo về cán bộ như hiện nay thì người thủ trưởng khó chịu trách nhiệm. Sau khi đọc bài trả lời phỏng vấn này, tôi đã gửi thư tới Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Thủ tướng Phan Văn Khải đề nghị Tổng bí thư giao cho cơ quan chức năng nghiên cứu đổi mới cách làm nhân sự để trình Bộ Chính trị.

 

Nên thay đổi như thế nào, thưa ông?

 

Từ trước đến nay việc chuẩn bị nhân sự do Ban Tổ chức trung ương chủ trì phối hợp chuẩn bị và trình Bộ Chính trị. Nay tôi đề nghị nhân sự Chính phủ nên do Thủ tướng (Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ) trình, nhân sự Quốc hội nên do Chủ tịch Quốc hội (Bí thư Đảng đoàn Quốc hội) thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình và Ban Tổ chức trung ương chủ trì cùng các ban liên quan thực hiện việc kiểm tra, thẩm tra.

 

Về nguyên tắc, người điều hành phải là người chọn cán bộ. Cũng giống như huấn luyện viên một đội bóng, anh phải là người quyết định đội hình. Do vậy anh phải đi tìm cầu thủ phù hợp với từng vị trí trên sân. Khi ra trận, tùy tình hình diễn biến trên sân, tùy lối đá của đối phương cũng như sự thể hiện của quân mình, huấn luyện viên có thể phải thay cầu thủ chứ không thể cứng nhắc được. Tương tự, đạo diễn phải là người đi tìm diễn viên, không ai làm thay anh ta được. Thủ tướng điều hành nội các mà không chủ động sắp xếp đội ngũ và không kịp thời thay đổi nhân sự để đáp ứng nhiệm vụ, thúc đẩy công việc vì đại cuộc thì có lỗi to với nhân dân.

 

Khi bố trí cán bộ vào một vị trí mới, thường chỉ quan sát một năm là biết anh đó có trụ được không. Năm thứ hai phải biết liệu anh đó có thúc đẩy được đơn vị đó phát triển không. Năm thứ nhất mà thấy anh không hòa nhập được thì phải thay. Năm thứ hai, thứ ba mà thấy công việc không đẩy lên được thì phải thay. Nhưng mình chưa quen chuyện này.

 

Theo ông, nên làm thế nào để chức năng của mỗi người lãnh đạo, mỗi cơ quan được phát huy đúng mức?

 

Trách nhiệm cá nhân, phải chăng đây là khâu đột phá? Tôi nói đột phá vì hễ quy được trách nhiệm rõ ràng thì dứt khoát việc chấp hành sẽ nghiêm chỉnh, thúc đẩy các mặt khác. Dứt khoát người đứng đầu phải có bản lĩnh bố trí cán bộ. Đất nước cần bộ máy nhà nước mạnh. Hết khóa thấy bộ trưởng dù làm việc không tốt, nhưng chẳng có khuyết điểm gì lại giới thiệu khóa nữa là “chết” dân. Phải hành động như là một huấn luyện viên bóng đá, có quyền quyết định thay tiền đạo khi anh ta không ghi được bàn thắng. Thủ tướng dám làm, tôi chắc Bộ Chính trị sẽ ủng hộ.

 

Có nhiều thông tin cho thấy tới đây Chính phủ sẽ sắp xếp lại bộ máy theo hướng gọn nhẹ, giảm đầu mối, nhưng hiệu quả. Ông nhận định thế nào về xu hướng này?

 

Tại sao chúng ta có tới 26 bộ và cơ quan ngang bộ? Tại sao những nước có nền kinh tế lớn thứ nhất, thứ nhì thế giới mà chỉ có 15-17 bộ, những nước hàng đầu châu Âu chỉ có 13-15 bộ chứ không nhiều bộ như ta? Phải nhập bớt một số bộ lại với nhau, vì để nhiều bộ thì quản lý không tốt. Nhiều bộ thì nhiều chỗ giáp ranh giữa các bộ. Thực tiễn, bao giờ chỗ giáp ranh cũng là yếu nhất. Chỗ giáp ranh càng ít càng tốt vì sẽ giảm bớt khoảng trống, giảm bớt chỗ chồng chéo mà không rõ trách nhiệm.

 

Theo quan sát cũng như quan điểm cá nhân ông, nên nhập bộ nào trong bộ máy Chính phủ để giảm bớt chỗ giáp ranh như ông nói?

 

Tách, nhập cụ thể bộ nào không quan trọng nếu không căn cứ vào thực tiễn và khoa học điều hành. Bây giờ chúng ta vẫn nghe: “Cái này trách nhiệm của ai?”. Một câu hỏi như thế là không được có. Tất cả công việc phải quy định trách nhiệm rõ ràng. Nhưng vì mình nhiều chỗ giáp ranh quá mà lại chưa quy định được thành ra không ai chịu trách nhiệm. Nhiều bộ thì nhiều giáp ranh, nhiều bộ thì họp hành nhiều, phát biểu nhiều, tốn thì giờ.

 

Từng có kinh nghiệm khi đề xuất việc sáp nhập một số ban Đảng khi còn làm Trưởng ban Tổ chức trung ương, theo ông tới đây nên tiếp tục đổi mới cơ quan này thế nào?

 

Theo quan điểm của tôi, bây giờ Đảng phải “hóa thân” thêm một bước nữa vào Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt của Đảng phải nắm vị trí chủ chốt của Nhà nước. Tất cả các nước đều làm như thế, hình như chỉ còn Việt Nam thôi. Đảng phải thông qua bộ máy Nhà nước và đội ngũ cán bộ để thực hiện sự lãnh đạo trực tiếp hợp pháp của Đảng, không việc gì Đảng phải làm bộ máy trùng với Nhà nước.

 

Theo Khiết Hưng - Lê Anh Đủ
 Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm