Thủ tướng nói về ngành lao động qua chuyện thay đổi nguồn nhân lực Việt

Nhóm PV An Sinh

(Dân trí) - "Đi thăm nhà máy lọc dầu Dung Quất thấy rất rõ thay đổi tích cực về nguồn nhân lực của Việt Nam, gần như không còn người nước ngoài tham gia hoạt động quản lý, kỹ thuật ở đó nữa" - Thủ tướng đánh giá.

Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ LĐ-TB&XH

Hội nghị trực tuyến toàn quốc do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 14/1/2023 để đánh giá những kết quả, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm 2022, từ đó triển khai thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể của năm 2023.

Hội nghị sẽ diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Thủ tướng luôn dành sự quan tâm lớn đối với việc phục hồi, phát triển thị trường lao động trong hơn 2 năm qua. Đây là vấn đề được người đứng đầu Chính phủ nhiều lần lưu ý trong chương trình phục hồi kinh tế xã hội hậu đại dịch Covid-19. 

Cuối tháng 8/2022, ông đã từng triệu tập, chủ trì hội nghị của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập. Ít ngày trước, Thủ tướng vừa ký ban hành Nghị quyết về nội dung này (Nghị quyết số 06 ngày 10/1/2023) trong đó xác định lao động là thị trường trọng yếu của nền kinh tế, cần được đổi mới, đẩy mạnh phát triển trong giai đoạn hiện nay.

Thủ tướng nói về ngành lao động qua chuyện thay đổi nguồn nhân lực Việt - 1

Thị trường lao động 2022 dần phục hồi, phát triển mạnh mẽ.

Chuẩn bị cho hội nghị quan trọng để triển khai nhiệm vụ năm nay, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cũng đã báo cáo tới Thủ tướng, Chính phủ về tình hình lao động việc làm hiện nay.

Đánh giá chung, năm 2022, thị trường lao động cả nước đã có sự phục hồi tương đối khả quan. So với cùng kỳ 2021, lực lượng lao động 9 tháng đầu năm 2022 đạt 51,6 triệu người, tăng 1,2 triệu người. Số lao động có việc làm 9 tháng đầu năm 2022 đạt 50,5 triệu người, tăng 1,5 triệu người.

Thu nhập của người lao động bình quân 9 tháng đầu năm 2022 là 6,6 triệu đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ 2021 (trong đó thu nhập của người làm công hưởng lương đạt 7,6 triệu đồng, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2021).

Về khía cạnh an sinh xã hội, trong 3 năm dịch bệnh, từ 2020 đến hết 2022, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ cho trên 68,4 triệu lượt người lao động, người dân và trên 1,41 triệu lượt người sử dụng lao động với tổng kinh phí gần 104,5 nghìn tỷ đồng.

Ngành LĐ-TB&XH đã thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách trợ cấp thường xuyên cho gần 1,2 triệu người có công với cách mạng, kinh phí trên 29 nghìn tỷ đồng. Điều dưỡng cho trên 500 nghìn lượt người có công.

Các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được ban hành và triển khai thực hiện kịp thời, quyết liệt, đem lại hiệu quả rất lớn, thiết thực cho người dân.

Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân.